Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Vài suy nghĩ về biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
 của cha ông ta
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn là ý thức thường trực của các thế hệ tiền nhân. Điều đặc biệt là dưới thời phong kiến, cha ông ta đã biết lợi dụng thuỷ triều vào công tác phòng thủ đất nước và đánh giặc ngoại xâm. Bốn trận thuỷ chiến oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc đều liên quan mật thiết đến con nước thuỷ triều. Đó là chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán vào năm 938 - trận đánh diễn ra trong một thời gian cực ngắn - giữa hai con nước thuỷ triều và tại một phạm vi rất hẹp ngay tại cửa sông ven biển, mà ý nghĩa thắng lợi thật to lớn, khiến cho quân giặc, phần bị giết, phần bị chết đuối, thiệt hại đến quá nửa, tên tướng giặc là Thái tử Lưu Hoằng Thao cũng bỏ mạng. Cũng với chiến thắng này đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài gần một nghìn năm, đưa nước ta vào thời kỳ trung hưng; chiến thắng Bạch Đằng của quân Đại Việt thời Trần vào năm 1288 đánh thắng quân Nguyên làm cho “giang sơn ngàn thuở vững âu vàng”. Trong Binh thư yếu lược, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn có hẳn một chương Thuỷ chiến để khảo về nghệ thuật đánh giặc trên biển và nói về các loại thuyền chiến, lại có thêm thiên thuỷ chiến đưa ra kế “nhân chỗ hiểm mà đặt hiểm…, đóng cọc lòng sông, gài nỏ góc biển, lại vững chắc hơn, đặt thuỷ lôi đáy nước, đặt tên ngầm trong sông, lại càng hiểm lạ”(1). Về nghệ thuật cắm cọc gỗ nơi lòng sông, ông viết như sau: “Nên sai ba quân chuẩn bị cột gỗ độ 200 cái cũng được, đem đến cửa sông cắm xuống nước, xa gần so le, dài ngắn không đều, hình như răng chó cài nhau, để ngầm dưới mặt nước không cho lộ thấy. Thuyền giặc tiến đến thì tất bị cọc gỗ ngăn trở, dù thuyền nhẹ buồm gió tốt, ra sức mà chèo, cũng không đi được một bước”(2). Hai lần chiến thắng quân Xiêm tại Rạch gầm - Xoài Mút, lần thứ nhất vào năm 1875 của quân Tây Sơn và lần thứ hai vào năm 1833 dưới triều Nguyễn cũng đầy hiển hách. Thời Lê Thánh Tông, nhà vua định ra quân lệnh về việc thuỷ chiến cả thảy 31 điều để rèn tập binh lính và đốc thúc họ phải thao diễn thuỷ binh thường xuyên. Từ thế kỷ XV trở đi, các triều đại phong kiến Việt Nam đầu tư xây dựng được lực lượng thuỷ binh và những chiến thuyền lớn phòng ngừa mặt bể và chống lại các hành động cướp biển, gây hấn vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước. Đặc biệt, khi thuyền Hà Lan đến buôn bán ỷ có tàu to súng lớn, quân đội thiện chiến, nổi tiếng là “chúa trùm mặt bể” đến bờ biển nước ta gây sự bắt người đem đi, liền bị thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Nguyên cho thuyền chiến đánh tan tại cửa Eo (Thuận An - Huế) vào năm 1644, nhằm cảnh cáo hành động vi phạm chủ quyền của chúng. Dưới thời Trịnh - Nguyễn, vấn đề chủ quyền biển, đảo rất được quan tâm. Chúa Trịnh đã cho người vẽ thuỷ trình và mô tả tất cả các hòn đảo trên biển Đông. Chúa Nguyễn cho thành lập hai đội Hoàng Sa để hằng năm ra đảo lấy hoá vật và khẳng định chủ quyền. Dưới thời các vua triều Nguyễn, công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo càng được quan tâm và công việc cứu nạn các thuyền buôn nước ngoài trên vùng biển nước ta như với thuyền buôn nhà Thanh và tàu thuyền của Pháp, Anh cũng được chú ý nhiều hơn. Ngay từ năm Gia Long thứ hai , nhà vua đã có chỉ truyền cho các đội thuyền, nếu thấy có thuyền giặc lai vãng bên ngoài phải kịp chạy tin hoả tốc báo cho các đồn ven biển biết để kịp thời ứng phó. Hằng năm bắt đầu từ tháng 3 cho đến tháng 7 phái các thuyền đi kiểm soát các đảo, không để cho thuyền giặc ngầm đậu, “Nếu bắt được bọn giặc để kết án, thì ắt có thưởng hậu. Nếu tuần bắt bất lực thì ắt trị tội nặng không tha”(3). Các thuyền vận tải lớn đều có thuyền binh đi theo do thám và hộ tống, lại vũ trang khí giới cho ngư dân vừa đi đánh cá vừa do thám tình hình biển, đảo. Triều đình cho lập các đồn ải, tấn sở ở những nơi hiểm yếu để phòng bị và giao trách nhiệm cụ thể cho các quan tấn thủ, tổng đốc, tuần phủ, bố chanh, án sát, lãnh binh phải chịu trách nhiệm an ninh biển, đảo thuộc địa hạt mình cai quản. Thời các chúa Nguyễn, lường trước những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên những người trong đội Hoàng Sa tự lo trước hậu sự cho mình bằng cách mỗi người chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, 7 dây mây và 7 cái đòn tre để nếu gặp chuyện chẳng lành trên biển thì đồng đội lấy chiếu quấn xác, dùng đòn tre nẹp thi thể, lấy dây mây buộc lại và kẹp theo một tấm thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán và phiên hiệu của người xấu số rồi bỏ xuống biển với một niềm hy vọng mong manh là nếu xác trôi vào bờ sẽ có người vớt lên chôn cất. Với những người thân ở quê nhà khi nghe tin dữ sẽ nắn đất sét thành hình nhân bỏ vào quan tài làm lễ truy điệu, sau đó mai táng đúng như thủ tục đối với người chết để linh hồn người tử nạn quay về còn có nơi yên nghĩ. Mặc dù đầy hiểm nguy như vậy nhưng những người ra đi luôn thường trực ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khi trong nước xảy ra nội chiến giữa các thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn và nhà Tây Sơn, đầu năm 1775 quân chúa Nguyễn bị quân Trịnh và quân Tây Sơn đánh bại, phải vượt đường biển chạy vào Nam, việc quản lý Hoàng sa bị bỏ dở thì trong trường hợp đó, lo sợ ngoại bang thừa cơ xâm phạm hải đảo nên những người dân ở Cù Lao Ré (nay là huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi) tự đứng ra lập lại hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Trong lá đơn viết vào năm 1776 gửi lên chính quyền Tây Sơn, Cai hợp của phường nói rõ mục đích lập đội thuyền là, nếu xảy ra chinh chiến sẽ “vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm”, còn lúc bình sẽ “tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp”.
Các nguồn tài liệu của triều Nguyễn như Châu bản, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí đều cho thấy, nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời các vua triều Nguyễn luôn khẳng định chủ quyền quốc gia đối với các biển, đảo của mình, đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ khẳng định trong các bộ sử lớn mà còn có sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, kỹ lưỡng đối với mọi kế hoạch hoạt động, như việc chỉ dụ về tuần phòng biển đảo hằng năm, có lệ thưởng phạt đối với những người đi làm nhiệm vụ, việc đo đạc cắm lại mốc giới một cách khoa học hơn; lại còn lập miếu, dựng bia, trồng cây để đảm bảo cho việc lưu trú và nhu cầu tín ngưỡng của những người thực thi nhiệm vụ. Những người đi làm nhiệm vụ này được Triều đình vinh danh là “Hùng binh Trường Sa, Hoàng Sa”. Với đồng bào của mình, họ được xem là những nghĩa sĩ, khi hy sinh nơi hải đảo sẽ được suy tôn “Âm linh chiến sĩ tôn thần”, và có những hình thức tưởng niệm trọng thể.
Như thế, về mặt khai thác tiềm năng biển, dưới thời phong kiến do chính sách chung của các triều đại vẫn là “trọng nông ức thương”, nếu có mở cảng chiêu thương cũng chỉ ở một hai nơi, lại bị động một chiều ngồi chờ thuyền buôn các nước đến, không có được những đội tàu lớn vươn ra ngoài đại dương đánh bắt thuỷ sản và đi buôn bán xa nên nhìn chung vẫn chưa thật sự khai thác biển như là một lợi thế để làm giàu cho đất nước. Nhưng về mặt phòng ngừa, xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo, triều đình cũng như trong nhân dân đều luôn thường trực ý thức trách nhiệm về vấn đề này, đều xác định biển, đảo là nơi “tối thị hiểm yếu” của quốc gia. Đấy là những cứ liệu lịch sử quý báu để chúng ta có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về chiến lược biển, đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh, giàu lên từ biển, đấu tranh bảo vệ và đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia về biển, đảo.
Tài liệu tham khảo
(1) Trần Hưng Đạo: Binh thư yếu lược. Nxb Công an nhân dân. H, 2002, tr 464.
(2) Sđ d, tr 467.
(3) Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.  T9. Nxb Thuận Hoá. Huế, 1993,
 tr 682.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét