Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

PHONG TRAO XÃ HỘI VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"


                                        Tran Minh Chien
Trong cuộc sống thường nhật chúng ta thường xuyên bắt gặp từ “phong trào” hay cụm từ “phát động phong trào”; “cuộc vận động” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong các cuộc hội họp hoặc trong các văn bản của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Rất nhiều cuộc vận động, phong trào xã hội ở Việt Nam trong lịch sử mà tên gọi của nó mỗi khi nhắc đến không khỏi làm chúng ta ngưỡng mộ và tự hào: “phong trào bình dân học vụ”; “trồng cây, gây rừng”; “phụ nữ ba đảm đang”; “thanh niên ba sẵn sàng” và gần đây nhất là những phong trào “xoá đói giảm nghèo”; “uống nước nhớ nguồn”; ‘toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng”...Có thể nói lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam hơn 60 năm qua là lịch sử của các “phong trào xã hội”, các “cuộc vận động”.“Phong trào”đã thực sự trở thành một hiện tượng phổ biến, là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội, được chia sẻ trong cách cảm, cách nghĩ cũng như trong giao tiếp giữa các thành viên trong xã hội. Ngay trong những ngày tháng năm này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc nhận thức đúng về cuộc vận động cả về lý luận và thực tiễn là việc làm cần thiết và quan trọng. Bài viết này là một sự tiếp cận xã hội học về cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”- một loại hình của phong trào xã hội.
        Trong xã hội học thế giới, “hành vi tập thể và phong trào xã hội” được xác định là một chuyên ngành của xã hội học. Khi phân tích lý thuyết về phong trào xã hội, các nhà xã hội học trên thế giới phần lớn thường bắt đầu từ khái niệm hành vi tập thể như là cái nền của mọi phong trào xã hội. Những chủ đề mà họ thường đề cập là: định nghĩa, phân loại, phân đoạn (các giai đoạn trong một phong trào), các lý thuyết giải thích, phương pháp nghiên cứu phong trào xã hội.
Có thể hiểu một cách khái quát nhất, phong trào xã hội là những nỗ lực tập thể có chủ định của một hay nhiều nhóm người nhằm thực hiện các biến đổi xã hội. Phong trào xã hội là những hoạt động tự nguyện, có tổ chức, dài hạn, có chủ trương khuyến khích hoặc phản kháng một khía cạnh nào đó của biến đổi xã hội. Phong trào xã hội thường có những đặc trưng sau: phải là sự nỗ lực tập thể; sự tự nguyện của các thành viên trong xã hội; phải là hoạt động có tổ chức; được tiến hành dài hạn; nhằm khuyến khích, thay đổi hay phản kháng cái gì đó trong biến đổi xã hội; từ phong trào tiến tới hình thành định chế xã hội. Điều kiện để tồn tại của phong trào là: Phong trào phải có bản sắc; phong trào phải làm rõ mình “nhân danh ai, cái gì” và phong trào phải làm rõ “đối tượng” xã hội của mình.
Như vậy, chúng ta cũng có thể hiểu “phong trào xã hội” chính là “những nỗ lực tập thể” nói về những hành động chung, cùng nhau, dài hạn, có tổ chức của một nhóm, một tập thể hoặc cả cộng đồng, nhằm một hay một vài mục tiêu mang tính xã hội. Trên thực tế, một “phong trào xã hội”, một “ sự nỗ lực tập thể” chỉ có hiệu quả khi nó phải luôn được một khuôn khổ chính trị, pháp lý và hành chính định hướng, dẫn dắt, mở đường, tạo ra cơ chế để hoạt động.
Có thể phân ra 3 loại hình của “những nỗ lực tập thể”(phong trào xã hội) như sau:
Loại hình thứ nhất, những cuộc vận động do các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị- xã hội khởi xướng, chủ trì và phối hợp. Nhìn từ góc độ lý thuyết huy động nguồn lực, loại hình này thể hiện ưu thế là có nhiều nguồn tài nguyên, như mức cam kết và ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo chính trị cấp cao, có hệ thống tổ chức, kinh phí dồi dào.
Loại hình thứ hai, là các nỗ lực hay phong trào xã hội do các tổ chức có pháp nhân (hội, quần chúng, Viện nghiên cứu, tổ chức xã hội…) khởi xướng và thực hiện. Loại hình này được phát triển nhanh trong những năm 90 ở Việt Nam như phong trào khuyến học, phong trào người cao tuổi, phong trào quỹ bảo thọ ở cơ sở…với loại hình này, Nhà nước- với tính cách là người tạo ra khuôn khổ chính trị, pháp lý và là nhà tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực xã hội cần phải có sự thay đổi trong định hướng chính sách ủng hộ và tài trợ, hướng nhiều hơn vào tiêu chuẩn hiệu quả, mở rộng cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ nhà nước, tạo nên sự bình đẳng hơn về mặt vị thế xã hội giữa các loại hình tổ chức xã hội.
Loại hình thứ ba, bao gồm những nỗ lực tập thể của các nhóm và tập thể, không có sự dẫn dắt của những tổ chức pháp nhân, hình thành nhằm biểu cảm những mục tiêu, yêu cầu, nguyện vọng của các tập thể, nhóm xã hội nhất định. Trong thời gian tới, khi quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá tăng tốc, những kiểu nỗ lực tập thể và phong trào xã hội thuộc loại hình này sẽ có xu hướng tăng lên và tác động ngày càng lớn đến xã hội. Cần phải được hướng dẫn về mặt văn hoá bởi các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các  cơ quan chuyên môn. Mặt khác, Nhà nước cũng cần phải tạo ra những khuôn khổ chính trị và pháp lý rộng rãi hơn, rõ ràng hơn, cần được truyền thông hướng dẫn tốt hơn và cần nhận được những phản hồi kịp thời và đúng đắn từ phía các cơ quan nhà nước để các hành động tập thể có thể diễn ra trong khuôn khổ luật pháp (khiếu kiện tập thể, đình công).
Từ những quan điểm xã hội học về “phong trào xã hội” nêu trên, chúng ta thấy cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là loại hình thứ nhất của “phong trào xã hội”. Đây là cuộc vận động do Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam phát động, chủ trì và tổ chức thực hiện. Mục đích của cuộc vận động là làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưỏng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh…nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là một cuộc vận động- một phong trào xã hội rộng lớn. Sự thành công của nó đòi hỏi phải có “những nỗ lực tập thể” cao độ. Sự nỗ lực tập thể trong cuộc vận động này  hướng vào một nội dung rất rõ. Đó là, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tính chất và mức độ của sự nỗ lực để thực hiện nội dung này là có sự khác nhau. Học tập để hiểu được những tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác thì không khó, nhưng làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức ấy thì cực kỳ khó khăn. Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt quyết định đến chiều sâu và sự thành công của cuộc vận động. Qua hơn 5 năm thực hiện, Cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong Đảng và trong xã hội đã xuất hiện ngày càng nhiều những cán bộ, Đảng viên, nhân dân gương mẫu tự giác làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả triển khai cuộc vận động đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tác động tích cực đến việc khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, Đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm trong triển khai cuộc vận động. Đó là việc triển khai cuộc vận động trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa đều, hiệu quả chưa cao. ở các địa phương việc triển khai cuộc vận động tích cực, kịp thời đồng bộ hơn ở Trung ương; các cơ quan Đảng, đoàn thể làm tốt hơn các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nhiệp Nhà nước. Chuyển biến về nhận thức trong mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức chưa đồng đều. Kết quả “làm theo” còn chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra phong trào rộng lớn mang tính tự giác.
Đặc biệt, bên cạnh những tấm gương của nhiều tập thể và cá nhân tự giác thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, thì trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều nơi, vẫn còn tồn tại hiện tượng thiếu vắng, thậm chí tê liệt các nỗ lực chung để giải quyết một cách tập thể các vấn đề công cộng. Chúng ta hãy nhìn vào môi trường của các đô thị, thật là nhức nhối. Ai ai cũng cố gắng hàng ngày lau dọn nhà mình cho thật sạch, nhưng rồi lại đổ rác thải ra nơi công cộng một cách vô tội vạ. Công ty vệ sinh môi trường đô thị đã nhiều lần lên tiếng, nhưng rồi sự việc chuyển biến cũng chẳng đáng là bao. Rồi còn hàng trăm ”dự án treo” trên phạm vi toàn quốc, toàn ”bờ xôi”; ”ruộng mật” bỏ hoang nhiều năm, trong khi đó người nông dân phải chịu cảnh thiếu việc làm, do không có đất để canh tác; chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm qua cả nước đã có hàng chục cơ sở sản xuất  xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng và hàng chục cán bộ các cấp phải bị truy tố trước pháp luật. Có phải các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng thật sự trong nhiều năm qua không hề biết?  ở đây rất thiếu những nỗ lực tập thể nhằm xây dựng được những định chế chung khiến mọi người tuân thủ trong đời sống công cộng. Rất cần sự thúc đẩy và hỗ trợ của những tác nhân xã hội với những sáng kiến và tính tích cực xã hội. Không có sự nỗ lực tập thể thì phong trào không thể thành công.
Tất cả những hiện tượng nêu trên, có thể được xem như là những khoảng trống của những nỗ lực tập thể, là hạn chế không nhỏ cần phải được quan tâm khắc phục.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin được đề xuất một số giải pháp sau:
- Cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ cụ thể hoá các chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương để cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tự giác làm theo.(lưu ý, một trong những chuẩn mực đạo đức của Bác mà trong tình hình hiện nay chúng ta phải thường xuyên chú ý học tập và làm theo, đó là thái độ và hành vi ứng xử với môi trường kể cả môi trường sống và môi trường tự nhiên).
- Tăng cường sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong việc giám sát và cùng nhau thực hiện nội dung cuộc vận động. Không có sự đồng tâm, hiệp lực, sự phối hợp gắn bó giữa các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và các cá nhân trong toàn xã hội, thì khó có thể tạo ra những nỗ lực chung để thực hiện những mục tiêu và nội dung của cuộc vận động đã đề ra (bản chất của các cuộc vận động là huy động những nỗ lực tập thể để thực hiện một nội dung nào đó).
- Đề cao và nhân điển hình những tập thể và cá nhân mẫu mực (đặc biệt là cán bộ, đảng viên- những người có chức, có quyền) trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sinh thời Bác Hồ đã từng nhắc nhở: một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn.
- Cần phải tạo ra cơ chế và hành lang pháp lý cho cuộc vận động. Phải gắn cuộc vận động với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị. Trong sinh hoạt định kỳ mỗi cán bộ đảng viên bắt buộc phải tự giác báo cáo kết quả thực hiện trước chi bộ.
- Cần xác định một nội dung chương trình và những tiêu chí riêng cho khối các doanh nghiệp trong việc thực hiện cuộc vận động.
          Cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Min” đang tiếp tục đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, mong mỏi của mỗi người dân đất Việt là, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải đựơc diễn ra một cách thường xuyên, liên tục không chỉ dừng lại trong phạm vi thời gian của cuộc vận động. Thiết nghĩ, mỗi người, từ người đứng đầu Nhà nước cho đến người dân bình thường cũng đều luôn luôn phải xem việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như ”cơm ăn”, ”nước uống”, như” rửa mặt” hàng ngày.
                                                                                     02/10/2013
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Phong Quang, 2002, Người khởi xướng phong trào tình nghĩa, Hà Nội mới, 15.5.2002.
2. Lê Hải Hà, 2002, Mặt trận Tổ quốc: Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Trong: Bùi Thế Cường và cộng sự, 2002. Phong trào xã hội thời kỳ Đổi mới: Một nghiên cứu bước đầu, Viện xã hội học, Phòng phúc lợi xã hội, Báo cáo đề tài tiềm lực năm 2002.
3.Tony Bilton và các đồng sự, Nhập môn xã hội học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
4. Bộ chính trị, Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét