Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

                                     
Dân ta xưa nay vẫn có câu: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Câu nói nghe  dân dã, đơn giản, dễ hiểu nhưng lại hàm ý rất sâu xa. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay khi mà nhịp sống của xã hội hiện đại đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và sự thay đổi bất thường của điều kiện tự nhiên càng thấy câu nói trên có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt phương pháp luận cũng như hoạt động tổ chức, chỉ đạo thực tiễn.
Trước tiên, “bệnh” được nhắc đến ở đây không phải theo nghĩa y học mà là những căn “bệnh” dưới góc nhìn của công tác tổ chức, quản lý xã hội. Để phòng những căn “bệnh” này có hiệu quả, việc cần làm trước tiên là dự đoán những “bệnh” có khả năng xảy ra mà xã hội phải đối mặt. Thực tiễn có rất nhiều “bệnh” song chung quy lại có thể phân ra hai loại “bệnh” cơ bản: “bệnh” có nguồn gốc từ tự nhiên, do tự nhiên gây ra (ví dụ như, động đất, sóng thần, núi lửa, bão, lụt, hạn hán, nắng nóng, băng tuyết…) và “bệnh” có nguồn gốc từ xã hội, do con người gây ra (ví dụ như, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, tham nhũng, lãng phí, độc đoán, chuyên quyền…). Về mặt lý thuyết, nếu không được phòng bị chu đáo và chữa trị kịp thời thì loại “bệnh” nào cũng để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy loại “bệnh” có nguồn gốc xã hội ở nước ta từ xưa đến nay (đặc biệt hiện nay) là loại “bệnh” nan giải và khó phòng chống nhất. Hệ quả của những căn “bệnh” này gây ra không chỉ thiệt hại về người và của cải vật chất mà nguy hiểm hơn còn là từng bước làm mất dần niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ Đảng viên của Đảng, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ chính trị.
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của loại “bệnh” này, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và giải pháp nhằm phòng “bệnh” có hiệu quả. Đã có khá nhiều văn bản Luật và dưới Luật được bổ xung và ban hành mới đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện khá sinh động công tác phòng, chống các căn “bệnh” nói chung và “bệnh xã hội” nói riêng (Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Phòng cháy, Chữa cháy; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; luật Giao thông…). Mặc dù vậy, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trên phạm vi cả nước vẫn còn khá nhiều những vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ, sự kiện 2 tập đoàn kinh tế lớn (VINASHIN, VINALINE); Vụ đắm tàu du lịch tại Quảng Ninh (2/2011); Vụ tàu hỏa đâm vào ô tô tại cầu Gềnh, tỉnh Đồng Nai (3/2011); vụ sập mở đá Lèn Cờ, Nghệ An (2011); vụ sai phạm trong chính sách với người có công ở Huyện Phù Ninh, Quảng Nam (2013)… và gần đây nhất là vụ đắm tàu tại vùng biển thuộc huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh làm 9 người thiệt mạng. Chỉ tính riêng các vụ việc vừa nêu đã có tới hàng chục cán bộ, Đảng viên của Đảng bị khởi tố với các tội danh: Vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc nói trên, song một trong những nguyên nhân cơ bản vẫn là do công tác phòng “bệnh” chưa thực sự có hiệu quả. Dư luận đã tự đặt câu hỏi nếu có cơ chế quản lý hợp lý, chặt chẽ hơn, nếu công tác quản lý, giáo dục cán bộ của các cấp thường xuyên hơn và đặc biệt là công tác kiểm tra, phối hợp của các cấp, các ngành được nhịp nhàng hơn thì đâu đến nỗi xảy ra các vụ việc nói trên? Thế mới biết công tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh” có ý nghĩa thế nào!
Đất nước ta đang tiếp tục tiến hành công cuộc Đổi mới. Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa đang từng bước được định hình và phát triển. Trong bối cảnh kinh tế –xã hội trong nước và thế giới luôn có những biến động nhanh, phức tạp và khó lường, hơn lúc nào hết công tác phòng “bệnh” càng trở nên quan trọng và cần thiết. Để phòng “bệnh” có hiệu quả, thiết nghĩ nên làm tốt một số việc sau đây:
Thứ nhất, cần phải dự đoán có cơ sở khoa học những “bệnh” có thể xảy ra để từ đó có giải pháp hữu hiệu phòng “bệnh”. Đây là việc làm hết sức quan trọng, đặc biệt đối với những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, phòng “bệnh” phải gắn liền với phương án chữa “bệnh”. Thực tiễn cho thấy chỉ khi nào công tác phòng “bệnh” chu đáo thì công tác chữa “bệnh” mới chuyên nghiệp và có hiệu quả. Thực tiễn công tác khắc phục các vụ việc nổi cộm ở nước ta thời gian qua đã minh chứng cho chúng ta điều đó.
Thứ ba, phòng “bệnh” đối với bất kỳ loại “bệnh” nào cũng đòi hỏi phải có sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị. Đây cũng là khâu yếu nhất trong công tác phòng “bệnh” ở  nước ta hiện nay.
Thứ tư, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, đôn đốc và giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong công tác phòng và chữa “bệnh”. Kịp thời có hình thức khen thưởng và xử phạt đối với những cá nhân và tổ chức làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng, chữa “bệnh” (xưa nay chúng ta chú trọng nhiều hơn đến khen thưởng và xử phạt đối với công tác chữa “bệnh” mà chưa chú trọng đúng mức tới khen thưởng và xử phạt đối với công tác phòng “bệnh”).

                                                                                Trần Minh Chiến

1 nhận xét: