Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam; người thày của nền ngoại giao cách mạng; quan điểm và tư tưởng của Người mãi mãi là ngọn đèn pha soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016



Cảnh giác với giặc nội xâm
Hơn lúc nào hết, mỗi người phải ghi nhớ và thấm thía lời nhắc nhở của Bác, “phải nghiêm với mình và rộng lòng khoan thứ với người”, phải “cả quyết sửa lỗi lầm”, phải biết rằng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống giặc nội xâm ở ngay trong con người mình là cuộc chiến đấu suốt đời, sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng, sẽ như tự phủ định chính mình, tự vượt lên những cái tầm thường, xấu xa, hư hỏng để tiến bộ nữa, tiến bộ mãi, cái tốt thì nảy nở, cái xấu, cái ác thì mất đi, mất dần rồi mất hẳn. Sâu xa ra, chính là biết từ bỏ tính tham, lòng tham, vụ lợi, vị kỷ, những sự đố kỵ, bon chen, hằn thù, những bất minh, bất chính chỉ vì lợi và danh, danh và lợi làm hư hỏng nhân cách con người trước những cám dỗ của tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực thời buổi kinh tế thị trường. Ở đời, nhân vô thập toàn, không ai là không có khuyết điểm khi còn sống và làm việc. Không ai tự nhiên mà thành tốt đẹp, thành người hoàn toàn như Bác nói. Tự phê bình và phê bình là sự hối thúc của lương tâm, phẩm giá, của lòng tự trọng danh dự và liêm sỉ.


Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016


HÃY HÀNH ĐỘNG VÌ HÒA BÌNH
Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia. Việt Nam mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như Biển Đông, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc. Hãy bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.