Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

GIỮ VỮNG BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG KHI KHAI THÁC THÔNG TIN MẠNG –VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn đang tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới tinh vi và xảo quyệt hơn nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Trong các phương thức để thực hiện chiến lược đó, kẻ thù đặc biệt chú ý tới chiến dịch truyền thông thông qua mạng internet. Dưới những chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, với giọng điệu lừa bịp, mỵ dân của chủ nghĩa chống cộng, các thế lực thù địch muốn thông qua các trang mạng xã hội, các blog cá nhân để từng bước chia rẽ đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng, tranh thủ quần chúng và nguy hiểm hơn là làm cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên của Đảng từng bước suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, từng bước dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Đó là kịch bản và đồng thời cũng là tưởng định mà chúng ta không thể không cảnh giác và tích cực phòng ngừa. Vì vậy, giữ vững bản lĩnh chính trị, khai thác có hiệu quả thông tin mạng phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học là yêu cầu có tính nguyên tắc đối với cán bộ, giảng viên Trường sĩ quan Chính trị (SQCT) nói chung và khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH) nói riêng.
Chúng ta đều phải thừa nhận: xã hội hiện đại và văn minh không thể thiếu vai trò của công nghệ chuyển tải thông tin, công nghệ không dây (mạng intrernet). Sự phát triển mạnh mẽ, tính hiệu quả, năng động của dịch vụ internet luôn song hành với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ở Trường SQCT, chúng ta không thể không thừa nhận mặt tích cực của internet đối với sự nghiệp giáo dục- đào tạo, nhưng cũng không thể lường tính hết được những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với chính quá trình này. Để hạn chế tác động tiêu cực từ môi trường mạng, đồng thời với nỗ lực phổ cập internet đến từng khoa giáo viên, Nhà trường cần phải thường xuyên có những giải pháp cần thiết để ngăn chặn tác hại của nó đến quá trình đào tạo, mà trước hết là lĩnh vực chính trị tư tưởng của đội ngũ giáo viên.
Từ sự thuận tiện và cởi mở của internet, cán bộ, giáo viên chúng ta được đọc những trang báo điện tử, blog cá nhân với những thông tin cập nhật về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo, dân tộc, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Dung lượng thông tin này vô cùng phong phú, đa dạng. Từ đây, chúng ta có thể lựa chọn thông tin, tư liệu cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ đời sống, hoặc tham gia phản biện xã hội. Nhưng cũng không khó tìm thấy những trang mạng thiếu lành mạnh (như Anhbasam; Quan làm báo; Dân làm báo; Hậu quan làm báo…), chúng được ngụy tạo bởi những dữ liệu không có căn cứ, nhưng sử dụng ngôn từ thuyết phục, cấu tứ lập luận khá lôgic, thậm chí “đánh tráo khái niệm”, “lập lờ đánh lận con đen” (nói như thành ngữ tiếng Việt), rất dễ làm cho người đọc nhầm lẫn về tính trung thực, những ý đồ và những toan tính sâu xa đang ẩn dưới những con chữ, từng bài biết. Với những trang mạng này, nếu người đọc thiếu bản lĩnh, cảm tính, không phân tích dữ kiện một cách thấu tình đạt lý thì rất dễ dẫn đến thái độ đồng tình và nhận thức sai lệch. Thực tiễn cho thấy, sản phẩm dùng trong hoạt động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên môi trường mạng được tính toán chặt chẽ, gia công khéo léo, thao tác kỹ càng tinh vi. Người ta không khó bắt gặp những trang mạng được ngụy tạo bởi những tác phẩm về lịch sử, văn hóa hấp dẫn. Khi tiếp xúc những bài này, nếu không tỉnh táo hoặc thiếu cảnh giác người đọc rất dễ rơi vào quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khá phổ biến trên các trang mạng là những bài “phản biện xã hội”, những đóng góp dưới cái  vỏ “khách quan, nói thẳng, nói thật” góp ý cho đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước (những nội dung này chúng ta vốn chẳng lạ gì trong nội dung của chuyên đề “Chủ nghĩa chống cộng”- Bộ môn nguyên lý).
Tuy nhiên, những sản phẩm này lại thu hút sự quan tâm của khá nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có cả những cán bộ, giáo viên làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trong quân đội. Thực tế xin đưa ra một vài dẫn chứng: Trong một bài viết có tiêu đề “Tự thú” được đăng trên tờ “Tin chủ nhật” (Posted by basamnew on 13- 4 -2014) có đoạn viết: ““Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vốn dĩ là quy luật, hiện hữu trong quá trình tiến hoá của nhân loại và thúc đẩy xã hội loài người văn minh, tiến bộ hơn trước. Đã là quy luật thì không thể chống nhưng chẳng hiểu tại sao, lãnh đạo Đảng (Cộng sản Việt Nam) vẫn nhất định phải chống cho bằng được, kể cả sau khi đã học và bắt nhiều người cùng học “duy vật biện chứng”, “duy vật lịch sử””. Thoạt nghe hoặc vừa đọc chưa kịp có thời gian suy nghĩ thì tưởng chừng như đây là quan điểm và thắc mắc có lý của tác giả bài viết. Nhưng dừng lại suy nghĩ một chút với tư duy khách quan, khoa học thì bất kỳ ai cũng sẽ nhận ra ngay “tâm đen” của người đưa ra quan điểm này. Đây thực chất là một kiểu “đánh tráo khái niệm”, là “lập lờ đánh lận con đen” (nói như thành ngữ tiếng Việt), là làm cho đúng –sai; chính –tà;  thật- giả lẫn lộn khó phân biệt để lừa gạt người khác nhằm phục vụ cho ý đồ đen tối;  Hoặc gần đây nhất, nhiều trang mạng phụ họa cho Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012 H.R.1410 và Nghị quyết H.Res kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền. “Dự luật” và “Nghị quyết” trên đã được Quốc hội Hoa Kỳ công bố ngày 11-9-2012 với những thông tin sai lệch, thiếu khách quan. Một số trang blog đăng tải những thông tin liên quan đến một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước theo đó là những sự phân tích đánh giá “khách quan”. Bằng cách đó, tác giả của nó không thể không có dụng ý là tác động vào niềm tin, vào tư tưởng chính trị đối với người đọc. Nguy hại hơn, những thông tin đó nhanh chóng trở thành câu chuyện nơi bàn trà, quán nước. Đáng tiếc, trong đó có không ít những cán bộ, đảng viên, thậm chí cả những người trực tiếp là những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng” (trong đó có cả giảng viên)- những người đã  được giác ngộ khá chu đáo về chính trị, tư tưởng. Họ không thể ngờ rằng vô hình dung mình đã tiếp sức cho những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch được lan rộng…
 Điều đáng quan tâm là, bên cạnh những trang có nội dung tư tưởng tốt, vẫn còn nhiều những trang không lành mạnh, thậm chí độc hại, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần. Đó là tính hai mặt của môi trường mạng mà chúng ta phải chấp nhận. Ngày nay, cái gọi là “Diễn biến hòa bình” là có thật, không phải là một lý thuyết chung chung; nó đã trở thành lực lượng vật chất cụ thể. Bằng thủ đoạn mới, qua hệ thống truyền thông, nó đang chuyển hóa, gieo rắc hiểm họa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mọi tầng lớp trong xã hội đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.
Liệu chúng ta có thể vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn nói trên của các thế lực thù địch? Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song quan trọng hơn cả vẫn là bản lĩnh chính trị, tư tưởng của mỗi con người khi tiếp nhận các luồng thông tin.
Đối với chúng ta – những cán bộ, giảng viên làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trong quân đội, nhất là trên lĩnh vực xã hội nhân văn (đặc biệt môn CNXHKH), chức năng nghề nghiệp đưa chúng ta đến với môi trường mạng như một tất yếu. Nếu chúng ta không giữ vững bản lĩnh chính trị, tư tưởng thì chính những thông tin này sẽ biến thành công cụ “chuyển hóa” với chính chúng ta (những  đối tượng khai thác nó). Giả định, nếu chúng ta rơi vào trạng thái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì chắc chắn sẽ tác động rất xấu đến công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội nói chung. Bởi lẽ, ngoài việc tự mình chống lại quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chúng ta còn phải là những “chiến sĩ” tiên phong trong hoạt động này thông qua việc trang bị cho học viên (những cán bộ chính trị; giáo viên KHXHNV tương lai của quân đội) những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác –LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam. Do đó trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải thường xuyên giữ vững bản lĩnh chính trị, khai thác hiệu quả thông tin trên mạng thì mới có thể phục vụ tốt nhất nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Do đặc điểm nghề nghiệp quy định, để thực hiện tốt đề tài nghiên cứu, hoặc có những giờ lên lớp thuyết phục, người giảng viên ngoài việc nghiên cứu, tham khảo những tài liệu chính thống, còn phải tích cực khai thác thông tin trên mạng. Và như đã đề cập ở trên, nếu không có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng thì chính họ cũng có thể “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành công cụ nguy hiểm cho chiến lược này của các thế lực thù địch.

Thiết nghĩ, đối với chúng ta hiện nay trước hết phải luôn có tinh thần, bản lĩnh của “Người lính” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Hiểu biết, thành thạo các thao tác sử dụng mạng và không gian thông tin về khoa học xã hội nhân văn; lựa chọn đối tượng mạng để tham khảo, tra cứu. Quá trình khai thác thông tin phải bình tĩnh phân tích một cách khoa học, đồng thời phải so sánh, đối chiếu giữa thông tin mạng và thông tin chính thống (đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước…) và lựa chọn những nội dung cần thiết (sau khi đã tự mình phản biện) trước khi sử dụng. Phải hết sức cảnh giác trước những trang blog cá nhân và việc lợi dụng diễn đàn mở này để đưa ra những ý kiến cá nhân, mang tính chủ quan, áp đặt. Mặt khác, mỗi giảng viên
phải có thái độ khoa học rõ ràng, xác đáng, giúp cho học viên có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc trước những luận điệu sai trái của các thế lực phản động đang tìm cách thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua hệ thống truyền thông. Khi tiếp xúc khai thác thông tin mạng nhất thiết phải làm chủ được lý trí, tình cảm trước những mặt tiêu cực (có thật), đồng thời phải bằng hành động nghề nghiệp (phân tích rõ đúng –sai trên cơ sở khoa học) góp phần ổn định chính trị tư tưởng cho các đối tượng giáo dục. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng kiên quyết không nối dài, không bổ sung thông tin khi chưa có sự kiểm định; kiên quyết không sử dụng loại tư liệu chỉ có ý nghĩa tham khảo để làm tư liệu chính thức. Sẽ dẫn đến tác hại khôn lường khi chính chúng ta lại rơi vào trạng thái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mất niềm tin…, lúc đó bài giảng sẽ không thể có “Lửa” và chúng ta rất dễ vi phạm các nguyên tắc của quá trình dạy học (đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính chính trị…).         

            Do vậy, khi tiếp xúc với môi trường mạng nhất thiết phải giữ vững bản lĩnh chính trị, tư tưởng và đây được xem như là một trong những phẩm chất, năng lực cần phải có của người cán bộ, giảng viên trong các Nhà trường quân đội nói chung và Trường SQCT hiện nay nói riêng.