Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Cảnh giác với “dân chủ” mạng
Tự do internet không có nghĩa tuyệt đối. Không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên internet cũng được. Ngày nay, với sự bùng nổ internet, các quốc gia căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể để đề ra các quy định quản lý phù hợp. Điểm mấu chốt là dù quản lý theo phương thức nào thì cũng nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cá nhân, tổ chức, tránh các hành vi lạm dụng phạm pháp. 
Tại những nước phát triển như Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. Tại Singapore, nhằm thắt chặt an ninh, tất cả các máy tính được sử dụng bởi công chức Singapore sẽ bị cắt mạng internet từ tháng 5-2017. Còn tại Anh, tháng 8-2011, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố trước phiên họp của Quốc hội: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”. 
Tại “thiên đường tự do” Mỹ thì sao? Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Và thực tế, chính ở Mỹ mới là nơi có nhiều trường hợp bị xử lý vì người sử dụng mạng internet có hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác. Đầu tháng 9 vừa qua, báo chí tại Mỹ thông tin, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton. 
Tháng 12-2016, nhằm ngăn chặn thông tin bịa đặt, cực đoan, Chính phủ CHLB Đức đưa ra yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ mạng xã hội thành lập văn phòng phản ứng ngay trong vòng 24h khi có phản ánh về phát ngôn cực đoan hoặc thông tin bịa đặt, và sẽ phạt các công ty này nếu không chấp hành, mức phạt là 500.000 Euro cho mỗi lần không thực hiện.
Rõ ràng, với hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng. Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng internet là phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới.
Điều 25, Bộ luật dân sự 2005 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Đồng thời, Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các điều luật về “tội vu khống”, “tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”... để xử lý các hành vi phạm tội. 
Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại. Quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến nhưng quyền ấy là có ranh giới, cần tỉnh táo nhận diện để không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng”, trở thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ. 
Cần đặc biệt cảnh giác với các thông tin bịa đặt, độc hại trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và phải nghiêm trị hành vi sử dụng mạng internet phá hoại nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét