Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015


Cảm nhận từ phía sau một số sự kiện xã hội những tuần qua

Tuần qua nổi lên một số sự kiện xã hội rất đáng quan tâm:
Trước hết, là chuyến thăm Trung Quốc của Đoàn Đại biểu Đảng và Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu (7/4/2015). Chuyến thăm của Tổng Bí thư diễn ra trong thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tròn 1 năm diễn ra sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD- 981 vào vùng biển và thềm Lục Địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế và chủ quyền biển đảo của nước ta, tạo nên tâm lý bức xúc, bất bình trong các tầng lớp nhân dân cả trong nước và trên thế giới. Là con dân Đất Việt chúng ta rất vui mừng trước kết quả của chuyến thăm, khi mà lãnh đạo cấp cao nhất của cả 2 nước đã trao đổi thẳng thắn và đạt được nhận thức chung quan trọng, sâu rộng về  một số định hướng và biện pháp lớn nhằm củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả các linh vực, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển thực chất, lành mạnh, ổn định và bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo. Lo cho sự bền vững và tính khả thi của những tuyên bố, những thỏa thuận  cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đã không dưới 2 lần chỉ trong vòng  3  năm (2012-2014) Trung Quốc đã đơn phương vi phạm những thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước Việt Nam, Trung Quốc, mà gần đây nhất là sự kiện giàn khoan Hải Dương HD-981xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (5/2014)… vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế và công ước của Liên hợp quốc  về Luật Biển 1982. Rõ ràng, sự  băn khoăn, lo lắng, hoài nghi của mỗi người dân Việt Nam hiện nay là có cơ sở. Thực tế những năm qua đã làm cho chúng ta chưa thật sự có lòng tin vào những tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Bởi lẽ, đã có không ít lầnTrung Quốc nói đâu có đi đôi với làm; “nói một đằng làm một nẻo”...  Chúng ta cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Tổng bí thư  hai nước Việt-Trung trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  cho rằng:  “quan hệ hai nước có giai đoạn khó khăn, hiện nay một số lĩnh vực hợp tác chưa đi vào thực chất, hiệu quả chưa cao; trở ngại lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị chưa cao, chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”. Chỉ có sự tin cậy chính trị rất cao; chỉ có lòng tin chiến lược sâu sắc mới có thể tạo nên sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình thực sự. Người dân Việt Nam có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành. Nếu cứ “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói không đi đôi với làm”; “rồi tiền hậu bất nhất “- như cách nói của người Trung Quốc thì mọi tuyên bố chỉ là những lời hoa mĩ tồn tại trên giấy mà thôi. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn hy vọng, mong mỏi và chờ đợi không chỉ ở lời nói (tuyên bố) mà quan trọng hơn là cách hành xử “thấu tình, đạt lý”; “trước sau như một”; “nói lời phải giữ lấy lời” của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong thời gian tới…
Sự kiện thứ 2: Ngay sau khi từng đoàn xe tải chở dưa hấu từ các địa phương trên cả nước (trong đó có Quảng nam)  ra Bắc và bị ách tắc tại của khẩu Lạng Sơn nhiều ngày. Dưa đã bắt đầu hỏng lại không bán được trong nước vì giá quá rẻ…  và nước mắt của những người nông dân đã rơi. Ngay lập tức các cư dân mạng đã vào cuộc, vận động ủng hộ người trồng dưa bằng cách kêu gọi người tiêu dùng (đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) bỏ tiền mua dưa như một cách thiết thực, chung tay giúp những nông dân nghèo đang trong cơn khốn khó. Sư kiện này một lần nữa lại minh chứng rõ thêm những đức tính quý báu của người Việt Nam ta: “thương người như thể thương thân”; “lá lành đùm lá rách”; “tương thân, tương ái”; :chia ngọt, sẻ bùi”… Tuy nhiên, sự kiện này cũng lại tiếp tục phản ánh sự bế tắc trong quản lý, điều hành và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Bài ca muôn thuở “được mùa rớt giá”; “mất mùa được giá” vẫn vang lên đầy thách thức bên tai nông dân và tâm lý làm ăn manh mún, “ăn sổi ở thì” của người nông dân vẫn diễn ra khá phổ biến, chẳng màng tới các quy luật của kinh tế thị trường. Chỉ có một nền nông nghiệp với cách quản lý, điều hành khoa học, tuân thủ đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả 4 “nhân vật”: Nhà nông – Nhà khoa học- Nhà Doanh nghiệp- Nhà nước, chúng ta mới hy vọng có một nền nông nghiệp phát triển bền vững và đời sống  của người nông dân mới thực sự được cải thiện. Lúc đó cộng đồng cư dân mạng chắc có lẽ cũng không phải vất vả như thời gian vừa qua.

Sự kiện thứ 3: Trong vài tuần trở lại đây người dân và nhiều tổ chức xã hội đã đổ xô đi mua sắm thiết bị camera giám sát để lắp đặt tại tư gia (nơi ở, nơi kinh doanh) và nơi công sở. Nhiều nhất trong số đó là trường học từ mầm non đến đại học (để giám sát lớp học); phòng hỏi cung của cơ quan điều tra (để giám sát cán bộ hỏi cung); địa điểm làm việc của cảnh sát giao thông (giám sát hành vi của cảnh sát giao thông); Các khu công nghiệp (để giám sát các bếp ăn của công nhân)… Sự kiện người dân và các công sở đổ xô đi mua camera giám sát trong những tuần vừa qua gợi cho chúng ta suy nghĩ 2 điều: Thứ nhất, thu nhập của người dân đã khá hơn trước rất nhiều. Việc lắp đặt camera không còn là thứ xa vời, quá khó đối với thu nhập của họ như cách đây 10-15 năm trước. Thứ hai: ở một khía cạnh khác rất cần quan tâm và suy ngẫm, đó là sự trung thực, lòng tin giữa con người với con người trong xã hội đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng. Người ta phải viện đến các phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, giám sát, đo đếm sự trung thực và lòng tin lẫn nhau. Tuy nhiên, rất cần những nhà quản lý và mỗi người dân hãy tự hỏi: nếu con người không thật sự  tự giác, trung thực từ cái tâm của mình thì có camera nào giám sát được  hết và chính xác hành vi của con người không? Vấn đề mấu chốt có lẽ vẫn là sự giáo dục, đạo đức và hành vi tự giác từ chính lương tâm hướng thiện của mỗi con người.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Góc nhìn xã hội học:                     MỘT SỐ BIỂU HIỆN VỀ SỰ SUYTHOÁ...

Góc nhìn xã hội học:                     MỘT SỐ BIỂU HIỆN VỀ SỰ SUYTHOÁ...:                     MỘT SỐ BIỂU HIỆN VỀ SỰ SUY THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ Thật không khó để có thể nhận thấy biểu hiện của sự suy thoái về ...
                    MỘT SỐ BIỂU HIỆN VỀ SỰ SUY THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
Thật không khó để có thể nhận thấy biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay đó là:
Không ít cán bộ, Đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ, giao động, hoài nghi về con đường đi lên CNXH, hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; một số cán bộ, Đảng viên đương chức có vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu, tham mưu và chỉ đạo hoạt động thực tiễn ở các ngành, các địa phương chưa thật sự thống nhất trên trên một số vấn đề cơ bản về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nhiều cán bộ, Đảng viên, kể cả đương chức hay nghỉ hưu tuy vẫn trung thành với Đảng nhưng lại thụ động thiếu bản lĩnh, không dám lên tiếng đấu tranh với những kẻ cơ hội; một số cán bộ, Đảng viên do bất mãn cá nhân, cơ hội, tiếp tay cho địch, tuyên truyền quan điểm sai trái, độc hại trong xã hội. Một số do nhận thức không đầy đủ, đúng đắn, trong đó có cả cán bộ đã từng cống hiến lâu năm cho cách mạng, bị các thế lực xấu trong và ngoài nước tâng bốc, đã ngấm ngầm hoặc công khai phát tán tài liệu, truyền bá những quan điểm sai trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nguyên trực tiếp của những biểu hiện nêu trên có lẽ là do những yếu kém trong công tác tư tưởng của Đảng. Tình trạng dân chủ hình thức và thiếu kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng diễn ra khá phổ biến ở nhiều tổ chức Đảng. Chưa chủ động, kịp thời và kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng trái chiều, ngại va chạm, không dám đấu tranh phê bình những tiêu cực trong nhận thức, tư tưởng chính trị sai trái trong tổ chức mà mình tham gia. Nhiều cán bộ, Đảng viên ít quan tâm đến học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, nói không đi đôi với làm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng tràn lan chậm được khắc phục. Có thể nói, đó chính là quá trình “ tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, góp phần làm cho tư tưởng chính trị của toàn Đảng dễ bị phân liệt, lòng dân ly tán, rất dễ dẫn đến khủng hoảng niềm tin.

Để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng và trong xã hội, thiết nghĩ chúng ta cần kiên trì thực hiện: tiếp tục tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc Đảng trong hoạt động của mọi tổ chức Đảng và từng Đảng viên; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn ở tất cả các cấp ủy Đảng; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng chính trị lệch lạc, sai trái, sớm phát hiện và sử lý kịp thời những vấn đề bức xúc về tư tưởng phát sinh; mỗi tổ chức Đảng đều phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chống suy thoái về tư tưởng ngay trong mỗi tổ chức Đảng mà Đảng viên là thành viên.