Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều
đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và
mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát
triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền
vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn
trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh
thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta không
quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa
hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến
lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ
quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các
quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không
ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác
hợp tác cùng có lợi với các quốc gia. Việt Nam mong muốn thiết lập quan hệ đối
tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc
nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết
và nghiêm túc thực hiện.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ.
Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt
căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để
chống lại nước khác. Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã
tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện
đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của
mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang
hiện hữu như Biển Đông, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải
quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập
chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế,
không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Là quốc gia ven biển, Việt Nam
khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp
quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hòa bình, hợp
tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của
các quốc gia, các dân tộc. Hãy bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay
xây dựng và củng cố hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét