Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC-MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY


                                                                                        Tran Minh Chien
Trong những năm gần đây, trên bình diện xã hội nói chung và ở Trường Đại học Chính trị nói riêng các cụm từ: “Điều tra xã hội học”; “Khảo sát xã hội học”; “Kết quả điều tra xã hội học”; “Số liệu điều tra xã hội học” đã trở nên quen thuộc và được nhiều người, nhiều tổ chức sử dụng. Nó quen thuộc và phổ biến đến mức chẳng cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên ngành xã hội học người ta cũng có thể tự thiết kế bảng hỏi, tiến hành điều tra và sử lý thông tin. Ở Trường Đại học Chính trị, phần lớn các công trình khoa học (đề tài) đều xác định có sử dụng phương pháp điều tra xã hội học mà biểu hiện cụ thể của nó là dùng “Phiếu trưng cầu ý kiến”; “Phiếu điều tra”; “Bảng hỏi” để thu thập thông tin. Tình hình này phải chăng chứng tỏ hai điều quan trọng sau đây: Một là, phương pháp điều tra xã hội học[1] nói riêng và xã hội học nói chung đã được “xã hội hoá”, được chấp nhận trên thực tế bởi tính ưu việt của nó? Hai là, phương pháp điều tra xã hội học rất dễ thực hiện đến mức ai cũng có thể tiến hành mà không cần phải viện đến sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn?
Bài viết này không phải đi tìm câu trả lời cho những giả định nêu trên, mà chỉ muốn đặt ra và trao đổi một số vấn đề xung quanh việc sử dụng phương pháp điều tra xã hội học hiện nay. Thứ nhất, đâu là sự khác nhau giữa phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp điều tra của các khoa học xã hội khác (tạm gọi chung là phương pháp điều tra xã hội)? Thứ hai, làm thế nào để thẩm định được tính khoa học, độ tin cậy của số liệu định lượng trong các đề tài khoa học hiện nay?
1. Nếu xem kỹ các cuốn sách giáo khoa, giáo trình và cả chuyên khảo về phương pháp xã hội học thì đều thấy rằng không có sự phân biệt rõ ràng, rạch ròi giữa phương pháp điều tra xã hội học với phương pháp điều tra của các khoa học xã hội khác. Vậy đâu là sự khác nhau? Để tìm câu trả lời tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khó có sức thuyết phục  này, chúng ta cần phải tìm về một nhận định hết sức nổi tiếng của Karl marx. Marx đã từng nhận định rằng xã hội này khác với xã hội kia không chỉ ở chỗ nó sản xuất ra cái gì mà còn ở chỗ nó sản xuất ra như thế nào, bằng cách nào. Điều này hoàn toàn đúng với khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng. Phương pháp liên quan đến cách làm mà cách làm quyết định tới trình độ của sản phẩm làm ra. Rõ ràng, trình độ, chất lượng của các công trình nghiên cứu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc nghiên cứu đó nhằm vào đối tượng nào, được thực hiện như thế nào, sử dụng phương pháp nào và cách thức sử dụng phương pháp đó ra sao.
Nếu xét về hình thức, chúng ta có thể khẳng định ngay tất cả các phương pháp điều tra xã hội đều giống nhau. Bởi lẽ, đều có “phiếu câu hỏi”; “phiếu điều tra”; “bảng kiểm” dùng để quan sát… Nhưng xét về nội dung, những yếu tố bên trong, cách thức và quy trình tiến hành phương pháp chúng ta sẽ thấy có sự khác nhau giữa phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp điều tra của các khoa học xã hội khác. Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, quan trọng nhất của phương pháp điều tra xã hội học là bảng hỏi (hay còn gọi là phiếu câu hỏi, phiếu điều tra, phiếu trưng cầu ý kiến). Việc thiết lập bảng hỏi đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức chuyên môn vững và bề dày kinh nghiệm thực tiễn. Bởi lẽ, một bảng hỏi đạt chuẩn mực khoa học phải thể hiện được một cách khái quát nhất mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Nhìn vào bảng hỏi người có chuyên môn có thể đoán biết được ý định cơ bản của nhà nghiên cứu và của toàn bộ cuộc điều tra. Thông thường một cuộc điều tra xã hội học được chia thành 3 giai đoạn[2], việc thiết lập bảng hỏi nằm ở công đoạn cuối cùng của giai đoạn chuẩn bị. Để bắt tay vào việc soạn thảo câu hỏi và lập bảng hỏi, một yêu cầu có tính nguyên tắc đó là: Nhà nghiên cứu phải thực hiện nghiêm túc, tuần tự và phải hoàn thành xong một loạt các công việc trước đó[3], đặc biệt là xây dựng giả thuyết nghiên cứu và thao tác hoá các khái niệm có liên quan đến đề tài. Đây là việc làm khó thường do người chủ trì cuộc điều tra (chủ trì đề tài, công trình nghiên cứu) về mặt khoa học thực hiện. Thao tác hoá khái niệm là những thao tác logic nhằm chuyển những khái niệm phức tạp thành đơn giản (chuyển những khái niệm trìu tượng sang khái niệm thực nghiệm, ít trìu tượng hơn). Mục đích quan trọng của việc thao tác hoá các khái niệm là xác định được các chỉ báo - là những dấu hiệu có thể quan sát, đo lường được trên thực tế, chỉ cho người ta biết được tình trạng bên trong của một hiện tượng, một sự vật. Chỉ báo có thể xác định nhanh chóng trong quá trình thao tác hoá khái niệm nếu mức độ trìu tượng của khái niệm thấp và ngược lại, sẽ phải mất nhiều thời gian, nhiều cấp độ thao tác mới xác định được nếu mức độ trìu tượng của khái niệm cao. Chỉ báo chính là cơ sở quan trọng, chủ yếu để nhà nghiên cứu tiến hành soạn thảo câu hỏi và lập bảng hỏi. Mỗi câu hỏi được xem như một chỉ báo để thu thập thông tin, đo lường các khía cạnh của hiện tượng xã hội. Quá trình thao tác hoá khái niệm càng chuẩn xác và cụ thể bao nhiêu thì việc soạn thảo câu hỏi và lập bảng hỏi càng thuận lợi, khoa học bấy nhiêu và ngược lại. Như vậy, rõ ràng để soạn thảo được câu hỏi và lập bảng hỏi theo đúng chuẩn mực xã hội học đòi hỏi nhà nghiên cứu phải thực hiện tuần tự qua nhiều khâu, nhiều bước với những yêu cầu có tính nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt và hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng như nhiều người đã nghĩ. Càng không phải và không thể chỉ xem qua các tiêu chí đánh giá thực trạng của đề tài (mà người khác đã xác định) và “ngồi tư duy” xem những thông tin nào có liên quan đến đề tài cần phải thu thập, mà đã có thể soạn thảo được câu hỏi và lập bảng hỏi một cách khoa học, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một công trình nghiên cứu.
Oval: 2. XĐ mục đích, nhiệm vụ NCMặt khác, một yêu cầu bắt buộc đối với phương pháp điều tra xã hội học đó là phải thể hiện được cái tinh thần, cái linh hồn của phương pháp xã hội học nói chung đó chính là “tư duy xã hội học” biểu hiện ra là “lý thuyết xã hội học”, biểu hiện cụ thể nữa là “các khái niệm xã hội học”. Có thể nói, phương pháp điều tra xã hội học là phương pháp có tinh thần xã hội học thể hiện ở tư duy xã hội học mà cụ thể là lý thuyết xã hội học, các khái niệm, phạm trù xã hội học. Tinh thần xã hội học phải thấm suốt trong từng bước, từng bộ phận của quy trình thực hiện phương pháp điều tra xã hội học từ bước xác định vấn đề nghiên cứu đến xác định mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu; xây dựng giả thuyết nghiên cứu; xây dựng mô hình lý luận; thao tác hoá khái niệm, hình thành các chỉ báo; soạn thảo câu hỏi, lập bảng hỏi; thu thập, sử lý và cuối cùng đến luận giải thông tin.
 









TƯ DUY
                                               XÃ HỘI HỌC
 







           Sơ đồ nêu trên cho thấy cái tinh thần hay linh hồn của phương pháp điều tra xã hội học là “tư duy xã hội học”. Chính nhờ tư duy xã hội học với đặc trưng là tư duy bằng các khái niệm xã hội học thì phương pháp điều tra xã hội học mới có “tính xã hội học”, mới có thể gọi là “Phương pháp điều tra xã hội học”. Với quan niệm như vậy, có thể thấy rõ là không phải ai cũng có thể làm xã hội học, cũng có thể tiến hành áp dụng phương pháp điều tra xã hội học. Việc có hay không có tư duy xã hội học và cách thức, quy trình thực hiện phương pháp điều tra xã hội là những tiêu chuẩn cơ bản, quan trọng để phân biệt đâu là phương pháp điều tra xã hội học đâu là phương pháp điều tra xã hội (không phải xã hội học). Thực tế hiện nay, rất nhiều cuộc điều tra đã sử dụng quá nhiều đến mức lạm dụng cụm từ “phương pháp điều tra xã hội học”, đến mức đã gây ác cảm và nghi ngờ, nghi ngại đối với sự hợp thức, tính chính xác, tính đáng tin cậy của phương pháp này. Đề tài nào, công trình nghiên cứu nào cũng tự nhận có sử dụng điều tra xã hội học[4], phương pháp xã hội học, và hầu như ai cũng có thể nghiên cứu thực nghiệm xã hội học với cách làm phổ cập là xây dựng “bảng hỏi; phiếu điều tra; phiếu trưng cầu ý kiến”, “phát phiếu câu hỏi; phiếu trưng cầu ý kiến; phiếu điều tra” rồi xử lý các số liệu, viết báo cáo kết quả và nghiệm thu sản phẩm điều tra xã hội học. Cách làm dễ dãi, “tự nhiên” “kiểu điều tra xã hội học” nghiệp dư này đã đến lúc cần phải có sự suy nghĩ nghiêm túc và có cách ứng sử với nó cho thật sự khoa học.
2. Hiện nay ở các Học viện, Nhà trường trong quân đội nói chung và Trường Đại học Chính trị nói riêng mỗi năm có hàng chục đề tài khoa học các cấp được nghiệm thu. Phần lớn trong số đó có sử dụng phương pháp điều tra xã hội (trong đó có điều tra xã hội học). Một trong những nội dung hết sức quan trọng mà Hội đồng nghiệm thu các cấp cần phải thẩm định đó là, độ tin cậy (tính xác thực) của các số liệu, tài liệu mà các đề tài đã sử dụng trong đó có số liệu (định lượng) của các cuộc điều tra xã hội. Mặc dù đây là nội dung quan trọng nhưng thực tế lại ít được các Hội đồng nghiệm thu quan tâm đúng mức. Bằng chứng cho thấy, trong báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu của hầu hết các đề tài đều có phụ lục được đính kèm trong đó có tổng hợp kết quả điều tra, thậm chí cả bảng hỏi. Tuy nhiên, thường có ít ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định chất vấn Ban đề tài xung quanh nội dung này. Phải chăng việc sử dụng phương pháp điều tra và xử lý số liệu của đề tài quá hoàn hảo? Vấn đề đặt ra ở đây là: Làm thế nào để thẩm định được tính chính xác của số liệu điều tra sử dụng trong đề tài? Trước hết, cần phải thống nhất quan điểm, phương pháp liên quan đến cách làm mà cách làm quyết định tới trình độ của sản phẩm làm ra. Do vậy, để thẩm định độ tin cậy của số liệu trong đề tài phải đặc biệt chú ý xem xét cách thức tiến hành điều tra của nhà nghiên cứu. Trên tinh thần đó, thiết nghĩ quá trình thẩm định đề tài (có sử dụng phương pháp điều tra xã hội) nên tập trung vào ba vấn đề sau đây:
Thứ nhất, trong phụ lục Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu của đề tài và trong các sản phẩm trung gian bắt buộc phải có các tài liệu như: Bảng hỏi; toàn bộ bảng hỏi đã được xử lý sau khi điều tra; tổng hợp kết quả điều tra; cách thức tiến hành điều tra; cách thức chọn mẫu. Các tài liệu (trừ phiếu trưng cầu ý kiến đã được xử lý) phải được gửi đồng thời với báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu của đề tài cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu trước.
Thứ hai, trong nội dung nhận xét của các thành viên Hội đồng thẩm định cần chú ý nhận xét kỹ hơn về tính chính xác, độ tin cậy của số liệu mà đề tài đã sử dụng (ví dụ, có nhận xét thêm về cách thức sử dụng phương pháp điều tra, phương pháp chọn mẫu của đề tài, dung lượng mẫu…).
Thứ ba, trong quá trình thẩm định, chủ nhiệm đề tài hoặc người được ban đề tài uỷ nhiệm phải trình bày (bắt buộc) trước hội đồng thẩm định về phương pháp điều tra xã hội mà đề tài đã sử dụng, bao gồm các nội dung như: dung lượng mẫu; cách thức chọn mẫu; cách thức tiến hành điều tra và xử lý thông tin…
Điều tra xã hội là một quá trình nghiên cứu khoa học, quá trình thu thập, xử lý thông tin về đời sống xã hội. Mỗi khoa học cụ thể như tâm lý học; xã hội học; dân tộc học; giáo dục học hay lịch sử… ngoài những điểm chung trong phương pháp nghiên cứu còn có những cách làm riêng phù hợp với đặc thù của mình. Trên thực tế không có và cũng không thể hy vọng có một phương pháp chung, thống nhất áp dụng cho mọi khoa học. Điểm chung duy nhất có thể thống nhất được về mặt phương pháp luận đó là vai trò cực kỳ quan trọng của phương pháp điều tra xã hội đối với các công trình nghiên cứu (đặc biệt nghiên cứu ứng dụng). Bởi lẽ, như Karl Marx đã từng chỉ giáo, vấn đề không chỉ nhận thức thế giới mà quan trọng hơn là cải tạo thế giới. Muốn cải tạo hiện thực trước hết phải có thông tin về hiện thực một cách trung thực, khách quan. Thực tiễn xã hội đang biến đổi hết sức nhanh chóng, phong phú, đa dạng và cực kỳ phức tạp, càng đặt ra những yêu cầu rất cao đối với phương pháp điều tra xã hội để có thể nhận thức được chính xác bản chất của các sự vật, hiện tượng xã hội. Đây cũng chính là một trong những vấn đề luôn đặt lên hàng đầu đối với các công trình nghiên cứu và cũng chính là sự đòi hỏi khắt khe của các hội đồng thẩm định đối với một công trình nghiên cứu hiện nay.




[1] Trong bài viết này phương pháp điều tra xã hội học cũng được hiểu là phương pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi hay  phương pháp an két.
Một cuộc điều tra xã hội học thường được chia thành 3 giai đoạn bao gồm: giai đoạn chuẩn bị điều tra; giai đoạn tiến hành điều tra và giai đoạn kết thúc điều tra (sử lý thông tin, viết báo cáo).
[3] Các công việc phải hoàn thành trước khi soạn thảo câu hỏi và thiết lập bảng hỏi bao gồm: Xác định vấn đề nghiên cứu, đặt tên đề tài; xác định mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu; xây dựng giả thuyết nghiên cứu; xây dựng mô hình lý luận, thao tác hoá khái niệm, xác định các chỉ báo.
[4] Cứ nói đến điều tra là gắn thêm với cụm từ xã hội học (Điều tra+ Xã hội học= Điều tra xã hội học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét