Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Cảnh giác với “dân chủ” mạng
Tự do internet không có nghĩa tuyệt đối. Không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên internet cũng được. Ngày nay, với sự bùng nổ internet, các quốc gia căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể để đề ra các quy định quản lý phù hợp. Điểm mấu chốt là dù quản lý theo phương thức nào thì cũng nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cá nhân, tổ chức, tránh các hành vi lạm dụng phạm pháp. 
Tại những nước phát triển như Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. Tại Singapore, nhằm thắt chặt an ninh, tất cả các máy tính được sử dụng bởi công chức Singapore sẽ bị cắt mạng internet từ tháng 5-2017. Còn tại Anh, tháng 8-2011, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố trước phiên họp của Quốc hội: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”. 
Tại “thiên đường tự do” Mỹ thì sao? Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Và thực tế, chính ở Mỹ mới là nơi có nhiều trường hợp bị xử lý vì người sử dụng mạng internet có hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác. Đầu tháng 9 vừa qua, báo chí tại Mỹ thông tin, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton. 
Tháng 12-2016, nhằm ngăn chặn thông tin bịa đặt, cực đoan, Chính phủ CHLB Đức đưa ra yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ mạng xã hội thành lập văn phòng phản ứng ngay trong vòng 24h khi có phản ánh về phát ngôn cực đoan hoặc thông tin bịa đặt, và sẽ phạt các công ty này nếu không chấp hành, mức phạt là 500.000 Euro cho mỗi lần không thực hiện.
Rõ ràng, với hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng. Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng internet là phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới.
Điều 25, Bộ luật dân sự 2005 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Đồng thời, Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các điều luật về “tội vu khống”, “tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”... để xử lý các hành vi phạm tội. 
Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại. Quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến nhưng quyền ấy là có ranh giới, cần tỉnh táo nhận diện để không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng”, trở thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ. 
Cần đặc biệt cảnh giác với các thông tin bịa đặt, độc hại trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và phải nghiêm trị hành vi sử dụng mạng internet phá hoại nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

ĐẰNG SAU CÁC LUẬN ĐIỆU “PHI CHÍNH TRỊ HÓA QUÂN ĐỘI”
Chưa bao giờ các thế lực thù địch từ bỏ âm mưu chuyển hóa về chính trị đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch tập trung chống phá quân đội trên nhiều mặt, nhiều nội dung, trong đó chống phá về chính trị được đặt lên trước và là một nội dung trọng tâm, trọng điểm. Trong những năm gần đây, chúng sử dụng truyền thông, mạng xã hội như một công cụ để chống phá quân đội về chính trị, tư tưởng. Hàng loạt các trang thông tin, trang web phản động đã lợi dụng chính sách tự do báo chí của Việt Nam, đưa ra các bài viết, bài phân tích, tuyên truyền, cổ súy cho việc chuyển giao quân đội về nhà nước, để nhà nước quản lý quân đội. Thực chất của quan điểm này là nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chúng công khai rao giảng cái gọi là “quân đội của quốc gia”, “quân đội mang tính dân tộc” bằng lối triết tự theo cách ngụy biện rằng, tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác lập danh tính quân đội là của quốc gia Việt Nam. Thực chất của quan điểm này là phủ định nguyên lý và làm “lu mờ” bản chất giai cấp của quân đội, xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta.
Điều đó, hoàn toàn trái ngược với lịch sử hình thành, phát triển của quân đội trên thế giới và ở Việt Nam. Bởi lẽ, quân đội là một hiện tượng lịch sử, ra đời trong những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người, khi mà xã hội loài người xuất hiện chế độ tư hữu và phân chia thành giai cấp. Nó sẽ mất đi khi chế độ chiếm hữu tư nhân, sự đối kháng về giai cấp và sự tồn tại của nhà nước không còn. Quân đội là công cụ bạo lực của một giai cấp nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của giai cấp đó. Vì thế, quân đội luôn mang bản chất giai cấp của giai cấp tổ chức và lãnh đạo nó, không có quân đội “phi giai cấp”.
Ở Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, mang bản chất giai cấp của Đảng - bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp của quân đội ta được xác lập ngay từ khi Đảng tổ chức ra quân đội và định hình, phát triển, phát huy trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo quân đội, thể hiện ở việc xác lập hệ tư tưởng, mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội. Hệ tư tưởng của quân đội ta là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo quân đội, Đảng ra sức truyền bá hệ tư tưởng, xây dựng mục tiêu lý tưởng chiến đấu cho quân đội, nhờ đó mà quân đội ta trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; luôn luôn là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc. Bản chất giai cấp công nhân quy định tính tiên tiến, cách mạng của quân đội, xác lập mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội và là cội nguồn để quân đội ta tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Nhờ mang bản chất giai cấp công nhân mà tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội ta được xây dựng, phát triển đúng hướng, được phát huy trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành và là một nguồn lực tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta trong chiến tranh giải phóng cũng như trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trên mạng xã hội cũng lan truyền, tung hô cái gọi là “Quân đội nhà nghề”.  Ẩn ý đằng sau cổ súy cho quan điểm xây dựng quân đội nhà nghề là mong muốn của các thế lực thù địch về một quân đội “đứng ngoài chính trị”, “quân đội trung lập”. Thực tế lịch sử đã cho thấy, quân đội ra đời gắn với sự ra đời của nhà nước, không thể có việc quân đội “đứng ngoài chính trị”, “quân đội trung lập”. Về vấn đề này, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản”1. Không có và chưa bao giờ có một thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, bởi vì nó là sản phẩm của “đấu tranh giai cấp không thể điều hòa”, là công cụ vũ trang trong tay nhà nước để thực hiện mục tiêu chính trị của nhà nước. Không có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị” đồng nghĩa với việc không có thứ “quân đội trung lập”.
Sự ra đời và quá trình trưởng thành, chiến đấu của quân đội luôn luôn gắn với chính trị của giai cấp, gắn liền với nhà nước đã tổ chức và lãnh đạo nó. Quân đội luôn luôn được xây dựng theo hệ tư tưởng và chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng của giai cấp, nhà nước tổ chức ra nó. Hệ tư tưởng của giai cấp tổ chức và lãnh đạo quân đội luôn giữ vai trò thống trị trong đời sống chính trị, tinh thần của quân đội. Mục tiêu, lý tưởng của giai cấp tổ chức và lãnh đạo quân đội quyết định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội.
Ý đồ thâm độc của quan điểm “quân đội nhà nghề” là muốn tước bỏ hệ tư tưởng Mác - Lênin, phủ nhận mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của quân đội ta. Thực chất luận điệu “quân đội nhà nghề” là sự phủ định bản chất giai cấp của quân đội, xóa mờ bản chất giai cấp công nhân, làm lu mờ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội của quân đội ta. Cần nhận thức rõ rằng, việc cổ súy cho xây dựng “quân đội nhà nghề” là nhằm tạo ra “vỏ bọc” cho việc chuyển hướng xây dựng quân đội mang bản chất giai cấp công nhân sang quân đội mang bản chất giai cấp tư sản. Các thế lực thù địch mượn cớ xây dựng “quân đội nhà nghề” để làm chuyển hóa tính chất chính trị - xã hội của quân đội ta.
Rõ ràng, ở đây không chỉ có sự khác biệt về câu chữ mà là về thực chất của vấn đề giữa xây dựng “quân đội nhà nghề” với việc xác định phục vụ trong quân đội là “một nghề” của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của quân đội ta xác định hoạt động quân sự là một nghề, ngành nghề đặc biệt liên quan đến sự tồn vong của Tổ quốc, của chế độ xã hội, từ đó mà yên tâm phục vụ trong quân đội đến hết tuổi theo luật định.
Xâu chuỗi các luận điệu của các thế lực thù địch trên mạng xã hội cho thấy tính chất phi lý, ngụy biện nhưng vô cùng hiểm độc. Các thế lực thù địch không trực tiếp bàn về vấn đề lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, về bản chất giai cấp công nhân của quân đội, về việc quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội trung lập... mà mượn cớ “bàn về đổi mới xây dựng quân đội”, “nghiên cứu học tập mô hình xây dựng quân đội hiện đại” để tạo dựng dư luận xã hội, dư luận quân nhân về những vấn đề cốt lõi trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản. Chúng mong muốn rằng, dư luận xã hội, dư luận quân nhân về các vấn đề đó ngày một dâng cao, tạo áp lực xã hội để thay đổi cách thức lãnh đạo, phương thức xây dựng quân đội. Chúng cũng mong muốn rằng, với nội dung, cách thức tuyên truyền “mập mờ trắng đen”, như là những “làn gió thổi qua” sẽ hằng ngày hằng giờ lay động nhận thức, thái độ, niềm tin, tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội.
Mặc dù, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mạng xã hội để cổ súy nhiều luận điệu sai trái, phản động, các luận điệu đó được “ngụy trang” vô cùng khéo léo nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta, làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Song có một thực tiễn mà không một thế lực nào có thể phủ nhận được là, trước yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta đã thành lập quân đội, lãnh đạo quân đội. Chính sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong hơn 70 năm qua là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Trong thể chế chính trị ở nước ta hiện nay, Đảng giữ vai trò lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội được xác định trong Hiến pháp, pháp luật và được hiện thực hóa trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội ta là tất yếu, bất biến, được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật.



1 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr. 136.