Vậy là tròn đúng 01 năm
(7/2014-7/2015) kể từ khi Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan (xâm nhập trái
phép) khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người đứng đầu
Đảng Cộng sản Việt Nam –Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm
việc tại Mỹ. Chỉ cần quan sát hoạt động của báo chí và truyền thông trong nước
và quốc tế những ngày qua cũng đủ thấy tầm quan trọng, mức độ “hot” của sự kiện
đặc biệt này. Lần đầu tiên người đứng đầu của một Đảng Cộng sản mà lại là Đảng
duy nhất nắm ngọn cờ lãnh đạo toàn xã hội của một quốc gia (vốn không đội trời
chung và căm thù Mỹ sâu sắc trong quá khứ), đến thăm chính thức Mỹ theo lời mời
của Tổng thống Mỹ và được đón tiếp theo nghi lễ trang trọng nhất giành cho các
nguyên thủ quốc gia. Cũng lưu ý rằng Việt Nam cũng là nước đầu tiên và duy nhất
trên thế giới buộc Mỹ phải thua trận và rút về nước (trong cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam) trong sự nhục nhã (1973). Có lẽ cũng vì nhiều lý do đặc biệt đó
mà ngay khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước vào phòng Bầu dục, Tổng thống
Obama đã chỉ tay vào đồng hồ và cười rất tươi như muốn chia sẻ với Tổng Bí thư,
hãy lưu giữ lại thời khắc lịch sử đặc biệt này cho cả 2 nước. Có thể nói chuyến
thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ
ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và các nước Phương Tây. Nếu sự kiện bình thường
hóa quan hệ Việt Nam- Mỹ (1995) mới chỉ là khúc dạo đầu cho mối quan hệ ấm lên
giữa Việt Nam và Mỹ sau nhiều năm thù hận và khác biệt về ý thức hệ, thì chuyến
thăm của Tổng Bí thư lần này mới thực sự mở ra một trang mới trong quan hệ ngọai
giao giữa 2 nước: thực chất hơn, tin cậy
hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 2 chuyến thăm chính thức tới 2 cường quốc, 2 nền
kinh tế nhất, nhì của thế giới. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn
biến phức tạp, đặc biệt tình hình Biển Đông. Các học giả, các chính khách, các
trung tâm nghiên cứu, bình luận các sự kiện chính trị- xã hội chắc chắn sẽ có
nhiều điều để phân tích, đánh giá khác nhau xung quanh sự kiện này. Dưới góc độ
là một công dân, con dân đất Việt chúng ta thật sự vui mừng, phấn khởi và tin
tưởng vào đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác, hữu nghị, đa dạng hóa, đa
phương hóa… của Đảng và Nhà nước ta trong một thế giới mở và phức tạp như hiện
nay. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự kỳ vọng và những nỗi lo. Trước hết là sự kỳ vọng,
sự mong đợi vào hành động thực tế của mỗi bên sau tuyên bố chung (đầy tốt đẹp,
tin cậy, trách nhiệm) của mỗi chuyến thăm. Hành động phải thật sự nhất quán,
nói phải đi đôi với làm (đặc biệt là các nước lớn). Sự thuyết phục lớn nhất đối
với nhân dân mỗi nước về kết quả của chuyến thăm là ở hành động chứ không phải
chỉ ở lời nói.Chính vì vậy, điều này luôn là sự kỳ vọng lớn nhất. Đi liền với sự
kỳ vọng là nỗi lo. Nỗi lo “nói một đằng, làm một nẻo”; “miệng nam mô, bụng bồ
dao găm” của lãnh đạo cấp cao sau chuyến thăm. Nhân dân Việt Nam vốn chẳng lạ
gì với cách hành xử của người “đồng chí’; “người bạn” Trung quốc thời gian vừa
qua. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (2013-2015), đã có không dưới 3 lần, ngay
sau chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt –Trung với những tuyên bố chan
chứa tình “hữu nghị” và sự “hiểu biết”, “tin cậy” lẫn nhau, Trung quốc đã ngay
lập tức hành xử theo kiểu “tiền hậu bất nhất”; “nói lời chẳng giữ lấy lời”… Xin
dẫn chứng: tháng 5 năm 2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 xâm nhập
trái phép vào vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau
chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; gần đây nhất là những tuyên bố và việc
làm thiếu trách nhiệm ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ
quyền biển đảo của Việt Nam ngay sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đến Trung Quốc (4/2015). Lãnh đạo cấp cao Trung quốc là vậy, còn Tổng thống và
chính phủ Mỹ thì sao? Thực tế thời gian tới sẽ là câu trả lời chính xác và có sức
thuyết phục nhất. Mỹ hay Trung Quốc sẽ làm người Việt Nam thất vọng với cách
hành xử như đã nói ở trên!!??