Cảm nhận từ phía sau một số sự kiện xã hội những tuần qua
Tuần qua nổi lên một số sự kiện xã hội rất đáng quan tâm:
Trước hết, là chuyến thăm Trung Quốc của Đoàn Đại biểu Đảng và
Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu (7/4/2015). Chuyến thăm của
Tổng Bí thư diễn ra trong thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tròn 1
năm diễn ra sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD- 981 vào
vùng biển và thềm Lục Địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế
và chủ quyền biển đảo của nước ta, tạo nên tâm lý bức xúc, bất bình trong các tầng
lớp nhân dân cả trong nước và trên thế giới. Là con dân Đất Việt chúng ta rất
vui mừng trước kết quả của chuyến thăm, khi mà lãnh đạo cấp cao nhất của cả 2
nước đã trao đổi thẳng thắn và đạt được nhận thức chung quan trọng, sâu rộng về
một số định hướng và biện pháp lớn nhằm
củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả
các linh vực, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển thực
chất, lành mạnh, ổn định và bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn đó
nỗi lo. Lo cho sự bền vững và tính khả thi của những tuyên bố, những thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đã không
dưới 2 lần chỉ trong vòng 3 năm (2012-2014) Trung Quốc đã đơn phương vi
phạm những thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước Việt Nam, Trung Quốc, mà gần đây nhất
là sự kiện giàn khoan Hải Dương HD-981xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam (5/2014)… vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế và
công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển
1982. Rõ ràng, sự băn khoăn, lo lắng,
hoài nghi của mỗi người dân Việt Nam hiện nay là có cơ sở. Thực tế những năm
qua đã làm cho chúng ta chưa thật sự có lòng tin vào những tuyên bố của lãnh đạo
cấp cao Trung Quốc. Bởi lẽ, đã có không ít lầnTrung Quốc nói đâu có đi đôi với
làm; “nói một đằng làm một nẻo”... Chúng
ta cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Tổng bí thư hai nước Việt-Trung trong chuyến thăm Trung Quốc
vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “quan hệ
hai nước có giai đoạn khó khăn, hiện nay một số lĩnh vực hợp tác chưa đi vào thực
chất, hiệu quả chưa cao; trở ngại lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị chưa
cao, chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông,
tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp
nhân dân”. Chỉ có sự tin cậy chính trị rất cao; chỉ có lòng tin chiến lược
sâu sắc mới có thể tạo nên sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình thực sự. Người dân
Việt Nam có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn
của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những
toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp
không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung
và với thái độ chân thành. Nếu cứ “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói không đi
đôi với làm”; “rồi tiền hậu bất nhất “- như cách nói của người Trung Quốc thì mọi
tuyên bố chỉ là những lời hoa mĩ tồn tại trên giấy mà thôi. Mỗi người dân Việt
Nam chúng ta luôn hy vọng, mong mỏi và chờ đợi không chỉ ở lời nói (tuyên bố)
mà quan trọng hơn là cách hành xử “thấu tình, đạt lý”; “trước sau như một”;
“nói lời phải giữ lấy lời” của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong thời gian tới…
Sự kiện thứ 2: Ngay sau khi từng đoàn xe tải chở dưa hấu từ các
địa phương trên cả nước (trong đó có Quảng nam) ra Bắc và bị ách tắc tại của khẩu Lạng Sơn nhiều
ngày. Dưa đã bắt đầu hỏng lại không bán được trong nước vì giá quá rẻ… và nước mắt của những người nông dân đã rơi. Ngay lập tức các cư dân mạng đã vào cuộc,
vận động ủng hộ người trồng dưa bằng cách kêu gọi người tiêu dùng (đặc biệt ở
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) bỏ tiền mua dưa như một cách thiết thực, chung tay
giúp những nông dân nghèo đang trong cơn khốn khó. Sư kiện này một lần nữa lại
minh chứng rõ thêm những đức tính quý báu của người Việt Nam ta: “thương người
như thể thương thân”; “lá lành đùm lá rách”; “tương thân, tương ái”; :chia ngọt,
sẻ bùi”… Tuy nhiên, sự kiện này cũng lại tiếp tục phản ánh sự bế tắc trong quản
lý, điều hành và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Bài ca muôn
thuở “được mùa rớt giá”; “mất mùa được giá” vẫn vang lên đầy thách thức bên tai
nông dân và tâm lý làm ăn manh mún, “ăn sổi ở thì” của người nông dân vẫn diễn
ra khá phổ biến, chẳng màng tới các quy luật của kinh tế thị trường. Chỉ có một
nền nông nghiệp với cách quản lý, điều hành khoa học, tuân thủ đúng đắn các quy
luật của kinh tế thị trường và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả 4 “nhân
vật”: Nhà nông – Nhà khoa học- Nhà Doanh nghiệp- Nhà nước, chúng ta mới hy vọng
có một nền nông nghiệp phát triển bền vững và đời sống của người nông dân mới thực sự được cải thiện.
Lúc đó cộng đồng cư dân mạng chắc có lẽ cũng không phải vất vả như thời gian vừa
qua.
Sự kiện thứ 3: Trong vài tuần trở lại đây người dân và nhiều tổ
chức xã hội đã đổ xô đi mua sắm thiết bị camera giám sát để lắp đặt tại tư gia
(nơi ở, nơi kinh doanh) và nơi công sở. Nhiều nhất trong số đó là trường học từ
mầm non đến đại học (để giám sát lớp học); phòng hỏi cung của cơ quan điều tra
(để giám sát cán bộ hỏi cung); địa điểm làm việc của cảnh sát giao thông (giám
sát hành vi của cảnh sát giao thông); Các khu công nghiệp (để giám sát các bếp
ăn của công nhân)… Sự kiện người dân và các công sở đổ xô đi mua camera giám
sát trong những tuần vừa qua gợi cho chúng ta suy nghĩ 2 điều: Thứ nhất, thu nhập
của người dân đã khá hơn trước rất nhiều. Việc lắp đặt camera không còn là thứ
xa vời, quá khó đối với thu nhập của họ như cách đây 10-15 năm trước. Thứ hai: ở
một khía cạnh khác rất cần quan tâm và suy ngẫm, đó là sự trung thực, lòng tin
giữa con người với con người trong xã hội đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng.
Người ta phải viện đến các phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, giám sát, đo đếm sự
trung thực và lòng tin lẫn nhau. Tuy nhiên, rất cần những nhà quản lý và mỗi
người dân hãy tự hỏi: nếu con người không thật sự tự giác, trung thực từ cái tâm của mình thì
có camera nào giám sát được hết và chính
xác hành vi của con người không? Vấn đề mấu chốt có lẽ vẫn là sự giáo dục, đạo
đức và hành vi tự giác từ chính lương tâm hướng thiện của mỗi con người.