Vô đề
Hạnh phúc là gì
Chưa ai định nghĩa được
Chỉ thấy đời tẻ nhạt
Khi chúng mình có nhau.
Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013
Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013
Vô đề
Mỗi lần em đến thăm
Ngỡ mùa xuân đang đến
mang sắc đào Nhật Tân
Vương lòng anh nỗi nhớ
Xuân đến rồi xuân đi
Anh thẫn thờ mong đợi
Bao giờ xuân trở lại
Thắp lửa hồng tim anh
Giấc mơ thật mong manh
Như ngọn đèn trước gió
Anh được sánh vai em
Nắm tay cùng dạo bước
Chẳng xa vời điều ước
Mà sao khó em ơi
Lỗi tại anh tất cả
Anh đâu còn đôi mươi.
Mỗi lần em đến thăm
Ngỡ mùa xuân đang đến
mang sắc đào Nhật Tân
Vương lòng anh nỗi nhớ
Xuân đến rồi xuân đi
Anh thẫn thờ mong đợi
Bao giờ xuân trở lại
Thắp lửa hồng tim anh
Giấc mơ thật mong manh
Như ngọn đèn trước gió
Anh được sánh vai em
Nắm tay cùng dạo bước
Chẳng xa vời điều ước
Mà sao khó em ơi
Lỗi tại anh tất cả
Anh đâu còn đôi mươi.
Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013
Xúc
cảm khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần!
Sáng ngày 05 tháng 10
năm 2013 mặc dù chưa có bất kỳ một thông tin nào về Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, nhưng khi lướt qua các thông tin trên báo mạng theo thói
quen hàng ngày Tôi đã linh cảm một sự kiện đặc biệt sẽ xảy ra khi
thấy một loạt những hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp hiện lên qua các trang mạng. Quả thật linh cảm
đã trở thành sự thật. Cùng ngày hôm đó bản tin lúc 12 giờ trưa đã
chính thức phát đi thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần. Mặc dù biết Đại
tướng đã hưởng thọ 103 tuổi và rằng: Sinh- Lão- Bệnh - Tử là quy
luật muôn đời của tạo hóa, song trong Tôi không tránh khỏi xúc cảm
bàng hoàng, ngơ ngác. Suốt từ giây phút đó cho đến khi viết những
dòng chữ này (gần 10 ngày qua không ngày nào tôi không có những phút
giây rưng rưng lệ khi xem những dòng tin về Đại tướng trên các phương
tiện truyền thông đại chúng). Con trai tôi đang là học sinh lớp 6 khi
xem cùng tôi và thấy tôi xúc động đã hỏi: Bố ơi, cụ Giáp làm gì mà
người ta nói nhiều thế? Tôi trả lời: Cụ Giáp là người học trò xuất
sắc của Bác Hồ, được Bác Hồ phong Đại tướng lúc 37 tuổi và là Đại
tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người đã có công rất
lớn đối với dân, với nước Việt nam ta. Chỉ sau 2 ngày theo dõi
thông tin qua truyền hình, cháu đã khăng khăng đòi tôi xin phép cơ quan, xin phép cô giáo để đưa
cháu sang Hà Nội đến tư gia của Đại tướng cùng với hàng nghìn người
dân đất Việt khác được thắp một nén nhang viếng Đại tướng.
Tôi là một người con
đất Việt và đặc biệt là một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, tôi
càng hiểu sâu sắc hơn những công lao to lớn mà Đại tướng đã cống
hiến cho dân, cho nước. Không chỉ vĩ đại về tài năng quân sự, Đại
tướng còn là một danh nhân văn hóa. Nói như người đời thướng nhận
xét Đại tướng là một người “Văn võ song toàn”. Tôi có cảm nhận:
giường như trong con người Đại tướng những phẩm chất cao quý của Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã được thấu triệt, được kế thừa, phát huy và tỏa
sáng.
Sự kiện Đại tướng ra
đi về cõi vĩnh hằng một lần nữa tiếp tục khẳng định: dưới bầu
trời này không ai tinh tường, không ai thủy chung, tình nghĩa bằng nhân
dân. Chỉ có nhân dân là người duy nhất, thông minh và công tâm nhất với
vai trò là người giám khảo thẩm định những giá trị chân chính của
những bậc vĩ nhân. Nếu chúng ta đã có những danh hiệu “Thày
thuốc nhân dân”; “Nhà giáo nhân dân”; “Nghệ sỹ nhân dân”…Thì hôm nay
chúng ta lại được nghe thấy một danh hiệu nữa: “Đại tướng nhân dân”
thật xúc động và ý nghĩa biết bao. Lịch sử nước ta có thể
nói là lịch sử chống ngoại xâm. Chính vì vậy, dân tộc ta cũng hết
sức tự hào đã sản sinh ra những thiên tài quân sự như: Lý Thường
Kiệt, Trần Hưng Đạo; Quang Trung và thời đại Hồ Chí Minh chính là
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Xin kính cần nghiêng
mình trước anh linh của Đại tướng!
Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013
PHONG TRAO XÃ HỘI VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"
Tran Minh Chien
Trong
cuộc sống thường nhật chúng ta thường xuyên bắt gặp từ “phong trào” hay cụm từ
“phát động phong trào”; “cuộc vận động” trên các phương tiện truyền thông đại
chúng, trong các cuộc hội họp hoặc trong các văn bản của các cơ quan nhà nước,
các tổ chức chính trị xã hội. Rất nhiều cuộc vận động, phong trào xã hội ở Việt
Nam trong lịch sử mà tên gọi của nó mỗi khi nhắc đến không khỏi làm chúng ta
ngưỡng mộ và tự hào: “phong trào bình dân học vụ”; “trồng cây, gây rừng”; “phụ
nữ ba đảm đang”; “thanh niên ba sẵn sàng” và gần đây nhất là những phong trào
“xoá đói giảm nghèo”; “uống nước nhớ nguồn”; ‘toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá ở khu dân cư”; “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng”...Có thể nói lịch sử
phát triển của xã hội Việt Nam hơn 60 năm qua là lịch sử của các “phong trào xã
hội”, các “cuộc vận động”.“Phong trào”đã thực sự trở thành một hiện tượng phổ
biến, là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội, được chia sẻ trong cách
cảm, cách nghĩ cũng như trong giao tiếp giữa các thành viên trong xã hội. Ngay
trong những ngày tháng năm này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức
thi đua, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc nhận thức đúng về cuộc vận động cả về lý luận
và thực tiễn là việc làm cần thiết và quan trọng. Bài viết này là một sự tiếp
cận xã hội học về cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh”- một loại hình của phong trào xã hội.
Trong xã hội học thế giới, “hành vi tập
thể và phong trào xã hội” được xác định là một chuyên ngành của xã hội học. Khi
phân tích lý thuyết về phong trào xã hội, các nhà xã hội học trên thế giới phần
lớn thường bắt đầu từ khái niệm hành vi tập thể như là cái nền của mọi phong
trào xã hội. Những chủ đề mà họ thường đề cập là: định nghĩa, phân loại, phân
đoạn (các giai đoạn trong một phong trào), các lý thuyết giải thích, phương pháp
nghiên cứu phong trào xã hội.
Có thể
hiểu một cách khái quát nhất, phong trào xã hội là những nỗ lực tập thể có chủ
định của một hay nhiều nhóm người nhằm thực hiện các biến đổi xã hội. Phong
trào xã hội là những hoạt động tự nguyện, có tổ chức, dài hạn, có chủ trương
khuyến khích hoặc phản kháng một khía cạnh nào đó của biến đổi xã hội. Phong
trào xã hội thường có những đặc trưng sau: phải là sự nỗ lực tập thể; sự tự
nguyện của các thành viên trong xã hội; phải là hoạt động có tổ chức; được tiến
hành dài hạn; nhằm khuyến khích, thay đổi hay phản kháng cái gì đó trong biến
đổi xã hội; từ phong trào tiến tới hình thành định chế xã hội. Điều kiện để tồn
tại của phong trào là: Phong trào phải có bản sắc; phong trào phải làm rõ mình
“nhân danh ai, cái gì” và phong trào phải làm rõ “đối tượng” xã hội của mình.
Như vậy,
chúng ta cũng có thể hiểu “phong trào xã hội” chính là “những nỗ lực tập thể”
nói về những hành động chung, cùng nhau, dài hạn, có tổ chức của một nhóm, một
tập thể hoặc cả cộng đồng, nhằm một hay một vài mục tiêu mang tính xã hội. Trên
thực tế, một “phong trào xã hội”, một “ sự nỗ lực tập thể” chỉ có hiệu quả khi
nó phải luôn được một khuôn khổ chính trị, pháp lý và hành chính định hướng,
dẫn dắt, mở đường, tạo ra cơ chế để hoạt động.
Có thể
phân ra 3 loại hình của “những nỗ lực tập thể”(phong trào xã hội) như sau:
Loại hình thứ nhất, những cuộc vận động do các cơ quan nhà nước hoặc
tổ chức chính trị- xã hội khởi xướng, chủ trì và phối hợp. Nhìn từ góc độ lý
thuyết huy động nguồn lực, loại hình này thể hiện ưu thế là có nhiều nguồn tài
nguyên, như mức cam kết và ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo chính trị cấp cao, có hệ
thống tổ chức, kinh phí dồi dào.
Loại hình thứ hai, là các nỗ lực hay phong trào xã hội do các tổ chức
có pháp nhân (hội, quần chúng, Viện nghiên cứu, tổ chức xã hội…) khởi xướng và
thực hiện. Loại hình này được phát triển nhanh trong những năm 90 ở Việt Nam
như phong trào khuyến học, phong trào người cao tuổi, phong trào quỹ bảo thọ ở
cơ sở…với loại hình này, Nhà nước- với tính cách là người tạo ra khuôn khổ
chính trị, pháp lý và là nhà tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực xã hội cần phải có
sự thay đổi trong định hướng chính sách ủng hộ và tài trợ, hướng nhiều hơn vào
tiêu chuẩn hiệu quả, mở rộng cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ
nhà nước, tạo nên sự bình đẳng hơn về mặt vị thế xã hội giữa các loại hình tổ
chức xã hội.
Loại hình thứ ba, bao gồm những nỗ lực tập thể của các nhóm và tập
thể, không có sự dẫn dắt của những tổ chức pháp nhân, hình thành nhằm biểu cảm
những mục tiêu, yêu cầu, nguyện vọng của các tập thể, nhóm xã hội nhất định.
Trong thời gian tới, khi quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá tăng tốc,
những kiểu nỗ lực tập thể và phong trào xã hội thuộc loại hình này sẽ có xu
hướng tăng lên và tác động ngày càng lớn đến xã hội. Cần phải được hướng dẫn về
mặt văn hoá bởi các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan chuyên môn. Mặt khác, Nhà nước cũng
cần phải tạo ra những khuôn khổ chính trị và pháp lý rộng rãi hơn, rõ ràng hơn,
cần được truyền thông hướng dẫn tốt hơn và cần nhận được những phản hồi kịp
thời và đúng đắn từ phía các cơ quan nhà nước để các hành động tập thể có thể
diễn ra trong khuôn khổ luật pháp (khiếu kiện tập thể, đình công).
Từ những
quan điểm xã hội học về “phong trào xã hội” nêu trên, chúng ta thấy cuộc vận
động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là loại hình thứ
nhất của “phong trào xã hội”. Đây là cuộc vận động do Bộ chính trị, Ban chấp
hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam phát động, chủ trì và tổ chức thực hiện.
Mục đích của cuộc vận động là làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về
những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưỏng đạo đức và tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt
trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học
sinh…nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi
sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội,
góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là một cuộc
vận động- một phong trào xã hội rộng lớn. Sự thành công của nó đòi hỏi phải có
“những nỗ lực tập thể” cao độ. Sự nỗ lực tập thể trong cuộc vận động này hướng vào một nội dung rất rõ. Đó là, học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tính chất và mức độ của
sự nỗ lực để thực hiện nội dung này là có sự khác nhau. Học tập để hiểu được
những tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác thì không khó, nhưng làm theo tư
tưởng và tấm gương đạo đức ấy thì cực kỳ khó khăn. Đây cũng chính là vấn đề mấu
chốt quyết định đến chiều sâu và sự thành công của cuộc vận động. Qua hơn 5 năm
thực hiện, Cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong Đảng và
trong xã hội đã xuất hiện ngày càng nhiều những cán bộ, Đảng viên, nhân dân
gương mẫu tự giác làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả triển khai
cuộc vận động đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị
của cơ quan, đơn vị, tác động tích cực đến việc khắc phục tình trạng suy thoái
về chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, Đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn
tại những hạn chế, khuyết điểm trong triển khai cuộc vận động. Đó là việc triển
khai cuộc vận động trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa đều, hiệu quả
chưa cao. ở các địa phương việc triển khai cuộc vận động tích cực, kịp thời đồng
bộ hơn ở Trung ương; các cơ quan Đảng, đoàn thể làm tốt hơn các cơ quan quản lý
Nhà nước, doanh nhiệp Nhà nước. Chuyển biến về nhận thức trong mỗi cán bộ, Đảng
viên, công chức chưa đồng đều. Kết quả “làm theo” còn chưa thực sự rõ nét, chưa
tạo ra phong trào rộng lớn mang tính tự giác.
Đặc biệt,
bên cạnh những tấm gương của nhiều tập thể và cá nhân tự giác thực hiện có hiệu
quả cuộc vận động, thì trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều nơi, vẫn còn tồn tại
hiện tượng thiếu vắng, thậm chí tê liệt các nỗ lực chung để giải quyết một cách
tập thể các vấn đề công cộng. Chúng ta hãy nhìn vào môi trường của các đô thị,
thật là nhức nhối. Ai ai cũng cố gắng hàng ngày lau dọn nhà mình cho thật
sạch, nhưng rồi lại đổ rác thải ra nơi công cộng một cách vô tội vạ. Công ty vệ
sinh môi trường đô thị đã nhiều lần lên tiếng, nhưng rồi sự việc chuyển biến
cũng chẳng đáng là bao. Rồi còn hàng trăm ”dự án treo” trên phạm vi toàn quốc,
toàn ”bờ xôi”; ”ruộng mật” bỏ hoang nhiều năm, trong khi đó người nông dân phải
chịu cảnh thiếu việc làm, do không có đất để canh tác; chỉ trong vòng chưa đầy
2 năm qua cả nước đã có hàng chục cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây
ô nhiễm nghiêm trọng và hàng chục cán bộ các cấp phải bị truy tố trước pháp
luật. Có phải các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng thật sự trong
nhiều năm qua không hề biết? ở đây rất
thiếu những nỗ lực tập thể nhằm xây dựng được những định chế chung khiến mọi
người tuân thủ trong đời sống công cộng. Rất cần sự thúc đẩy và hỗ trợ của
những tác nhân xã hội với những sáng kiến và tính tích cực xã hội. Không có sự
nỗ lực tập thể thì phong trào không thể thành công.
Tất cả những hiện tượng nêu trên, có thể được xem như là
những khoảng trống của những nỗ lực tập thể, là hạn chế không nhỏ cần phải được
quan tâm khắc phục.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động ”Học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin được đề xuất một số giải pháp
sau:
- Cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ cụ thể hoá các chuẩn mực
đạo đức trong tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với mỗi cơ quan,
đơn vị, địa phương để cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tự
giác làm theo.(lưu ý, một trong những chuẩn mực đạo đức của Bác mà trong tình
hình hiện nay chúng ta phải thường xuyên chú ý học tập và làm theo, đó là thái
độ và hành vi ứng xử với môi trường kể cả môi trường sống và môi trường tự
nhiên).
- Tăng cường sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành,
các cơ quan đơn vị trong việc giám sát và cùng nhau thực hiện nội dung cuộc vận
động. Không có sự đồng tâm, hiệp lực, sự phối hợp gắn bó giữa các cấp, các
ngành, các cơ quan đơn vị và các cá nhân trong toàn xã hội, thì khó có thể tạo
ra những nỗ lực chung để thực hiện những mục tiêu và nội dung của cuộc vận động
đã đề ra (bản chất của các cuộc vận động là huy động những nỗ lực tập thể để
thực hiện một nội dung nào đó).
- Đề cao và nhân điển hình những tập thể và cá nhân mẫu
mực (đặc biệt là cán bộ, đảng viên- những người có chức, có quyền) trong việc
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuyên truyền thường xuyên
trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sinh thời Bác Hồ đã từng nhắc nhở:
một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn.
- Cần phải tạo ra cơ chế và hành lang pháp lý cho cuộc
vận động. Phải gắn cuộc vận động với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị
trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị. Trong sinh hoạt định kỳ mỗi cán bộ đảng
viên bắt buộc phải tự giác báo cáo kết quả thực hiện trước chi bộ.
- Cần xác định một nội dung chương trình và những tiêu
chí riêng cho khối các doanh nghiệp trong việc thực hiện cuộc vận động.
Cuộc vận động ”Học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Min” đang tiếp tục đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, mong
mỏi của mỗi người dân đất Việt là, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức
của Bác phải đựơc diễn ra một cách thường xuyên, liên tục không chỉ dừng lại
trong phạm vi thời gian của cuộc vận động. Thiết nghĩ, mỗi người, từ người đứng
đầu Nhà nước cho đến người dân bình thường cũng đều luôn luôn phải xem việc học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như ”cơm ăn”, ”nước uống”,
như” rửa mặt” hàng ngày.
02/10/2013
Tài liệu tham khảo
1.
Đặng Phong Quang, 2002, Người khởi xướng
phong trào tình nghĩa, Hà Nội mới, 15.5.2002.
2. Lê Hải Hà, 2002, Mặt trận Tổ quốc: Toàn dân xây
dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Trong: Bùi Thế Cường và cộng sự, 2002.
Phong trào xã hội thời kỳ Đổi mới: Một nghiên cứu bước đầu, Viện xã hội học,
Phòng phúc lợi xã hội, Báo cáo đề tài tiềm lực năm 2002.
3.Tony Bilton và các đồng sự, Nhập môn xã hội học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
4. Bộ chính trị, Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc
vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC-MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY
Trong những
năm gần đây, trên bình diện xã hội nói chung và ở Trường Đại học Chính trị nói
riêng các cụm từ: “Điều tra xã hội học”; “Khảo sát xã hội học”; “Kết quả điều
tra xã hội học”; “Số liệu điều tra xã hội học” đã trở nên quen thuộc và được nhiều
người, nhiều tổ chức sử dụng. Nó quen thuộc và phổ biến đến mức chẳng cần phải
được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên ngành xã hội học người ta
cũng có thể tự thiết kế bảng hỏi, tiến hành điều tra và sử lý thông tin. Ở
Trường Đại học Chính trị, phần lớn các công trình khoa học (đề tài) đều xác
định có sử dụng phương pháp điều tra xã hội học mà biểu hiện cụ thể của nó là dùng
“Phiếu trưng cầu ý kiến”; “Phiếu điều tra”; “Bảng hỏi” để thu thập thông tin.
Tình hình này phải chăng chứng tỏ hai điều quan trọng sau đây: Một là, phương
pháp điều tra xã hội học[1]
nói riêng và xã hội học nói chung đã được “xã hội hoá”, được chấp nhận trên
thực tế bởi tính ưu việt của nó? Hai là, phương pháp điều tra xã hội học rất dễ
thực hiện đến mức ai cũng có thể tiến hành mà không cần phải viện đến sự hướng
dẫn của các nhà chuyên môn?
Bài viết này
không phải đi tìm câu trả lời cho những giả định nêu trên, mà chỉ muốn đặt ra
và trao đổi một số vấn đề xung quanh việc sử dụng phương pháp điều tra xã hội
học hiện nay. Thứ nhất, đâu là sự khác nhau giữa phương pháp điều tra xã hội
học và phương pháp điều tra của các khoa học xã hội khác (tạm gọi chung là
phương pháp điều tra xã hội)? Thứ hai, làm thế nào để thẩm định được tính khoa
học, độ tin cậy của số liệu định lượng trong các đề tài khoa học hiện nay?
1. Nếu xem kỹ các cuốn sách giáo khoa,
giáo trình và cả chuyên khảo về phương pháp xã hội học thì đều thấy rằng không
có sự phân biệt rõ ràng, rạch ròi giữa phương pháp điều tra xã hội học với
phương pháp điều tra của các khoa học xã hội khác. Vậy đâu là sự khác nhau? Để
tìm câu trả lời tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khó có sức thuyết phục này, chúng ta cần phải tìm về một nhận định
hết sức nổi tiếng của Karl marx. Marx đã từng nhận định rằng xã hội này khác
với xã hội kia không chỉ ở chỗ nó sản xuất ra cái gì mà còn ở chỗ nó sản xuất
ra như thế nào, bằng cách nào. Điều này hoàn toàn đúng với khoa học nói chung
và khoa học xã hội nói riêng. Phương pháp liên quan đến cách làm mà cách làm
quyết định tới trình độ của sản phẩm làm ra. Rõ ràng, trình độ, chất lượng của
các công trình nghiên cứu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc nghiên cứu đó
nhằm vào đối tượng nào, được thực hiện như thế nào, sử dụng phương pháp nào và
cách thức sử dụng phương pháp đó ra sao.
Nếu xét về
hình thức, chúng ta có thể khẳng định ngay tất cả các phương pháp điều tra xã
hội đều giống nhau. Bởi lẽ, đều có “phiếu câu hỏi”; “phiếu điều tra”; “bảng
kiểm” dùng để quan sát… Nhưng xét về nội dung, những yếu tố bên trong, cách
thức và quy trình tiến hành phương pháp chúng ta sẽ thấy có sự khác nhau giữa
phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp điều tra của các khoa học xã hội
khác. Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, quan trọng nhất của phương pháp điều
tra xã hội học là bảng hỏi (hay còn gọi là phiếu câu hỏi, phiếu điều tra, phiếu
trưng cầu ý kiến). Việc thiết lập bảng hỏi đòi hỏi người nghiên cứu phải có
kiến thức chuyên môn vững và bề dày kinh nghiệm thực tiễn. Bởi lẽ, một bảng hỏi
đạt chuẩn mực khoa học phải thể hiện được một cách khái quát nhất mục tiêu và
nội dung nghiên cứu. Nhìn vào bảng hỏi người có chuyên môn có thể đoán biết
được ý định cơ bản của nhà nghiên cứu và của toàn bộ cuộc điều tra. Thông
thường một cuộc điều tra xã hội học được chia thành 3 giai đoạn[2],
việc thiết lập bảng hỏi nằm ở công đoạn cuối cùng của giai đoạn chuẩn bị. Để
bắt tay vào việc soạn thảo câu hỏi và lập bảng hỏi, một yêu cầu có tính nguyên
tắc đó là: Nhà nghiên cứu phải thực hiện nghiêm túc, tuần tự và phải hoàn thành
xong một loạt các công việc trước đó[3],
đặc biệt là xây dựng giả thuyết nghiên cứu và thao tác hoá các khái niệm có
liên quan đến đề tài. Đây là việc làm khó thường do người chủ trì cuộc điều tra
(chủ trì đề tài, công trình nghiên cứu) về mặt khoa học thực hiện. Thao tác hoá
khái niệm là những thao tác logic nhằm chuyển những khái niệm phức tạp thành
đơn giản (chuyển những khái niệm trìu tượng sang khái niệm thực nghiệm, ít trìu
tượng hơn). Mục đích quan trọng của việc thao tác hoá các khái niệm là xác định
được các chỉ báo - là những dấu hiệu có thể quan sát, đo lường được trên thực
tế, chỉ cho người ta biết được tình trạng bên trong của một hiện tượng, một sự
vật. Chỉ báo có thể xác định nhanh chóng trong quá trình thao tác hoá khái niệm
nếu mức độ trìu tượng của khái niệm thấp và ngược lại, sẽ phải mất nhiều thời
gian, nhiều cấp độ thao tác mới xác định được nếu mức độ trìu tượng của khái
niệm cao. Chỉ báo chính là cơ sở quan trọng, chủ yếu để nhà nghiên cứu tiến
hành soạn thảo câu hỏi và lập bảng hỏi. Mỗi câu hỏi được xem như một chỉ báo để
thu thập thông tin, đo lường các khía cạnh của hiện tượng xã hội. Quá trình
thao tác hoá khái niệm càng chuẩn xác và cụ thể bao nhiêu thì việc soạn thảo
câu hỏi và lập bảng hỏi càng thuận lợi, khoa học bấy nhiêu và ngược lại. Như
vậy, rõ ràng để soạn thảo được câu hỏi và lập bảng hỏi theo đúng chuẩn mực xã
hội học đòi hỏi nhà nghiên cứu phải thực hiện tuần tự qua nhiều khâu, nhiều
bước với những yêu cầu có tính nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt và hoàn toàn
không đơn giản, dễ dàng như nhiều người đã nghĩ. Càng không phải và không thể
chỉ xem qua các tiêu chí đánh giá thực trạng của đề tài (mà người khác đã xác
định) và “ngồi tư duy” xem những thông tin nào có liên quan đến đề tài cần phải
thu thập, mà đã có thể soạn thảo được câu hỏi và lập bảng hỏi một cách khoa học,
đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một công trình nghiên cứu.
Mặt khác, một yêu cầu bắt buộc đối
với phương pháp điều tra xã hội học đó là phải thể hiện được cái tinh thần, cái
linh hồn của phương pháp xã hội học nói chung đó chính là “tư duy xã hội học”
biểu hiện ra là “lý thuyết xã hội học”, biểu hiện cụ thể nữa là “các khái niệm
xã hội học”. Có thể nói, phương pháp điều tra xã hội học là phương pháp có tinh
thần xã hội học thể hiện ở tư duy xã hội học mà cụ thể là lý thuyết xã hội học,
các khái niệm, phạm trù xã hội học. Tinh thần xã hội học phải thấm suốt trong
từng bước, từng bộ phận của quy trình thực hiện phương pháp điều tra xã hội học
từ bước xác định vấn đề nghiên cứu đến xác định mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu;
xây dựng giả thuyết nghiên cứu; xây dựng mô hình lý luận; thao tác hoá khái
niệm, hình thành các chỉ báo; soạn thảo câu hỏi, lập bảng hỏi; thu thập, sử lý
và cuối cùng đến luận giải thông tin.
TƯ DUY
XÃ HỘI HỌC
Sơ đồ nêu trên cho thấy cái tinh thần
hay linh hồn của phương pháp điều tra xã hội học là “tư duy xã hội học”. Chính
nhờ tư duy xã hội học với đặc trưng là tư duy bằng các khái niệm xã hội học thì
phương pháp điều tra xã hội học mới có “tính xã hội học”, mới có thể gọi là
“Phương pháp điều tra xã hội học”. Với quan niệm như vậy, có thể thấy rõ là
không phải ai cũng có thể làm xã hội học, cũng có thể tiến hành áp dụng phương
pháp điều tra xã hội học. Việc có hay
không có tư duy xã hội học và cách thức, quy trình thực hiện phương pháp điều
tra xã hội là những tiêu chuẩn cơ bản, quan trọng để phân biệt đâu là phương
pháp điều tra xã hội học đâu là phương pháp điều tra xã hội (không phải xã hội
học). Thực tế hiện nay, rất nhiều cuộc điều tra đã sử dụng quá nhiều đến
mức lạm dụng cụm từ “phương pháp điều tra
xã hội học”, đến mức đã gây ác cảm và nghi ngờ, nghi ngại đối với sự hợp
thức, tính chính xác, tính đáng tin cậy của phương pháp này. Đề tài nào, công
trình nghiên cứu nào cũng tự nhận có sử dụng điều tra xã hội học[4], phương
pháp xã hội học, và hầu như ai cũng có thể nghiên cứu thực nghiệm xã hội học
với cách làm phổ cập là xây dựng “bảng hỏi; phiếu điều tra; phiếu trưng cầu ý
kiến”, “phát phiếu câu hỏi; phiếu trưng cầu ý kiến; phiếu điều tra” rồi xử lý
các số liệu, viết báo cáo kết quả và nghiệm thu sản phẩm điều tra xã hội học.
Cách làm dễ dãi, “tự nhiên” “kiểu điều tra xã hội học” nghiệp dư này đã đến lúc
cần phải có sự suy nghĩ nghiêm túc và có cách ứng sử với nó cho thật sự khoa
học.
2. Hiện nay ở các Học viện, Nhà trường
trong quân đội nói chung và Trường Đại học Chính trị nói riêng mỗi năm có hàng
chục đề tài khoa học các cấp được nghiệm thu. Phần lớn trong số đó có sử dụng
phương pháp điều tra xã hội (trong đó có điều tra xã hội học). Một trong những
nội dung hết sức quan trọng mà Hội đồng nghiệm thu các cấp cần phải thẩm định
đó là, độ tin cậy (tính xác thực) của các số liệu, tài liệu mà các đề tài đã sử
dụng trong đó có số liệu (định lượng) của các cuộc điều tra xã hội. Mặc dù đây
là nội dung quan trọng nhưng thực tế lại ít được các Hội đồng nghiệm thu quan
tâm đúng mức. Bằng chứng cho thấy, trong báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu
của hầu hết các đề tài đều có phụ lục được đính kèm trong đó có tổng hợp kết
quả điều tra, thậm chí cả bảng hỏi. Tuy nhiên, thường có ít ý kiến của các
thành viên Hội đồng thẩm định chất vấn Ban đề tài xung quanh nội dung này. Phải
chăng việc sử dụng phương pháp điều tra và xử lý số liệu của đề tài quá hoàn
hảo? Vấn đề đặt ra ở đây là: Làm thế nào để thẩm định được tính chính xác của
số liệu điều tra sử dụng trong đề tài? Trước hết, cần phải thống nhất quan
điểm, phương pháp liên quan đến cách làm mà cách làm quyết định tới trình độ
của sản phẩm làm ra. Do vậy, để thẩm định độ tin cậy của số liệu trong đề tài
phải đặc biệt chú ý xem xét cách thức tiến hành điều tra của nhà nghiên cứu.
Trên tinh thần đó, thiết nghĩ quá trình thẩm định đề tài (có sử dụng phương
pháp điều tra xã hội) nên tập trung vào ba vấn đề sau đây:
Thứ nhất, trong phụ lục Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu của đề tài
và trong các sản phẩm trung gian bắt buộc phải có các tài liệu như: Bảng hỏi;
toàn bộ bảng hỏi đã được xử lý sau khi điều tra; tổng hợp kết quả điều tra;
cách thức tiến hành điều tra; cách thức chọn mẫu. Các tài liệu (trừ phiếu trưng
cầu ý kiến đã được xử lý) phải được gửi đồng thời với báo cáo tổng kết kết quả
nghiên cứu của đề tài cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu
trước.
Thứ hai, trong nội dung nhận xét của các thành viên Hội đồng thẩm
định cần chú ý nhận xét kỹ hơn về tính chính xác, độ tin cậy của số liệu mà đề
tài đã sử dụng (ví dụ, có nhận xét thêm về cách thức sử dụng phương pháp điều
tra, phương pháp chọn mẫu của đề tài, dung lượng mẫu…).
Thứ ba, trong quá trình thẩm định, chủ nhiệm đề tài hoặc người được
ban đề tài uỷ nhiệm phải trình bày (bắt buộc) trước hội đồng thẩm định về
phương pháp điều tra xã hội mà đề tài đã sử dụng, bao gồm các nội dung như:
dung lượng mẫu; cách thức chọn mẫu; cách thức tiến hành điều tra và xử lý thông
tin…
Điều tra xã
hội là một quá trình nghiên cứu khoa học, quá trình thu thập, xử lý thông tin
về đời sống xã hội. Mỗi khoa học cụ thể như tâm lý học; xã hội học; dân tộc
học; giáo dục học hay lịch sử… ngoài những điểm chung trong phương pháp nghiên
cứu còn có những cách làm riêng phù hợp với đặc thù của mình. Trên thực tế
không có và cũng không thể hy vọng có một phương pháp chung, thống nhất áp dụng
cho mọi khoa học. Điểm chung duy nhất có thể thống nhất được về mặt phương pháp
luận đó là vai trò cực kỳ quan trọng của phương pháp điều tra xã hội đối với
các công trình nghiên cứu (đặc biệt nghiên cứu ứng dụng). Bởi lẽ, như Karl Marx
đã từng chỉ giáo, vấn đề không chỉ nhận thức thế giới mà quan trọng hơn là cải
tạo thế giới. Muốn cải tạo hiện thực trước hết phải có thông tin về hiện thực
một cách trung thực, khách quan. Thực tiễn xã hội đang biến đổi hết sức nhanh
chóng, phong phú, đa dạng và cực kỳ phức tạp, càng đặt ra những yêu cầu rất cao
đối với phương pháp điều tra xã hội để có thể nhận thức được chính xác bản chất
của các sự vật, hiện tượng xã hội. Đây cũng chính là một trong những vấn đề luôn
đặt lên hàng đầu đối với các công trình nghiên cứu và cũng chính là sự đòi hỏi
khắt khe của các hội đồng thẩm định đối với một công trình nghiên cứu hiện nay.
[1]
Trong bài viết này phương pháp điều tra xã hội học cũng được hiểu là phương
pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi hay
phương pháp an két.
[3]
Các công việc phải hoàn thành trước khi soạn thảo câu hỏi và thiết lập bảng hỏi
bao gồm: Xác định vấn đề nghiên cứu, đặt tên đề tài; xác định mục đích, nhiệm
vụ nghiên cứu; xây dựng giả thuyết nghiên cứu; xây dựng mô hình lý luận, thao
tác hoá khái niệm, xác định các chỉ báo.
[4] Cứ nói
đến điều tra là gắn thêm với cụm từ xã hội học (Điều tra+ Xã hội học= Điều tra
xã hội học)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)