CẦN CẢNH GIÁC
Việt Nam đang phải đối diện với những thế lực
thù địch và những người mang quan điểm cực đoan, cường quyền, mưu toan lợi dụng
vấn đề dân chủ và nhân quyền nhằm lật đổ chế độ xã hội và Nhà nước hiện hữu,
chuyển sang mô hình dân chủ, nhân quyền “ngoại nhập”. Chẳng hạn như người ta
xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí, bắt bớ bỏ tù
những người được gọi là “bất đồng chính kiến” trong đó có các blogger; hoặc họ
cho rằng Việt Nam đối xử tàn bạo với các tôn giáo với bằng chứng là những vụ
xét xử 14 người có đạo ở Nghệ An, 20 người ở Phú Yên hoặc đạo “Hà Mòn" ở
Tây Nguyên. Những người có nhận thức công bằng, khách quan thì không khó để bác
bỏ những lập luận và chứng cớ nói trên. Pháp luật của bất cứ quốc gia nào cũng
phải đồng thời bảo vệ nhân quyền và chế độ xã hội. Trong điều kiện hiện nay,
một số quốc gia luôn phải đối diện với các lực lượng chính trị đối lập
với sự trợ giúp của các lực lượng chính trị cường quyền ở nước ngoài nhằm thay
đổi chính phủ hiện hữu. Cái gọi là hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động” không nói
lên bản chất chính trị, bất hợp pháp của những kẻ mưu toan lật đổ chế độ xã
hội. Bởi vậy, Luật Hình sự Việt Nam có một số điều, như Điều 88, "Tội
tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền
tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”; Điều 79, “Tội hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền nhân dân”… nhằm ngăn cấm những hoạt động làm tổn hại đến
chế độ xã hội là điều đương nhiên.
Về những cáo buộc vô căn cứ rằng Việt Nam vi
phạm quyền tự do tôn giáo, “đối xử tàn bạo” với các tôn giáo, sự thật là những
người có đạo bị đưa ra tòa xét xử không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn
giáo khác, mà là vì họ vi phạm pháp luật. Đúng hơn, họ đã lợi dụng quyền tự do
tôn giáo để phục vụ ý đồ chính trị, lật đổ chế độ xã hội, thậm chí còn có ý đồ
thành lập quốc gia riêng của họ. Chẳng hạn vụ án “Hội đồng công luật công án
Bia Sơn”. Tổ chức này núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, với
tham vọng lớn: Lật đổ nhà nước CHXHCN Việt Nam, thành lập “Nhà nước Đại
Nam Kinh Châu”.
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước ta về quyền con người như đã nói ở trên đều xuất phát từ mục tiêu, lý
tưởng của Đảng, từ bản chất của chế độ ta. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ
sức ép nào đó của cộng đồng quốc tế hoặc của các lực lượng chính trị đối lập
trong và ngoài nước. Đường lối, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trên
lĩnh vực quyền con người xuất phát từ tôn trọng giá trị nhân quyền phổ quát, đồng
thời bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân
tộc.
Đường lối, chính sách trên lĩnh vực quyền con
người ở Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, các cơ chế bảo đảm quyền con
người; bảo đảm cân bằng giữa các nhóm quyền dân sự, chính trị với nhóm quyền
kinh tế, xã hội và văn hóa; quan tâm nhiều hơn đến nhóm người nghèo, đồng bào
vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…, những nhóm trong xã hội
dễ bị tổn thương, như trẻ em, nữ giới, các dân tộc thiểu số... Việt Nam đặt lên
hàng đầu yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng như là điều kiện
cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người
đối với Việt Nam không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế, mà trước hết
là tranh thủ các nguồn lực về tinh thần, vật chất để phát triển đất nước, giữ
vững và phát triển chế độ xã hội. Bởi vậy Đảng và Nhà nước ta khẳng định, chính
sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác
với Hoa Kỳ trên lĩnh vực quyền con người, bao gồm tiếp tục đối thoại về nhân
quyền, thu hẹp những bất đồng về nhận thức giữa hai bên, giải quyết những vấn
đề nhân quyền thiết thực trong đó có trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với nạn nhân
trong chiến tranh, tìm kiếm, hồi hương hài cốt binh sĩ, xử lý ô nhiễm chất độc
đi-ô-xin.